Nếu là dân miền Trung có lẽ nhiều người sẽ không cảm thấy quá xa lạ với xương rồng, bởi vùng đất nắng gió này là nơi xương rồng rất phát triển. Tuy nhiên, chỉ có ở vùng quê thì người ta mới thường dùng loài cây này để chế biến thành món ăn.
Ngày mới về xứ Nẫu (Bình Định) làm dâu, chị Thiên Bình được mẹ chồng nấu cho món canh xương rồng, chị tròn mắt ngạc nhiên vì quê chị ở Đắk Lắk người ta chỉ trồng làm cảnh, trong khi đó nhà chồng lại trồng cả một vườn, vừa để ăn vừa để bán.
Hóa ra món này được người dân nơi đây gọi là món chống đói những ngày biển động, không ra khơi đánh bắt được, người ta chỉ biết bám víu vào loài cây này để sống qua ngày. Thế nhưng, vào những ngày nắng nóng, làm một bát canh lưỡi long cũng thấy mát lòng mát dạ.
Xương rồng có thể nấu với nhiều loại cá, tôm, thịt đều rất ngon. Đặc biệt, chị Thiên Bình rất thích nấu với cá móm cùng thịt băm, trẻ con lại càng thích vì nó trơn không cần phải nhai.
Canh xương rồng muốn có hương vị ngon phải hái vào buổi sáng, lúc đó nó mới chua ngon ngọt nhất. Sau khi lấy lá non gọt bỏ gai thì thái mỏng, phi thơm một chút hành cho thơm rồi bỏ cá (tôm, thịt) vào, nước sôi nêm nếm lại gia vị là xong.
Chị Thiên Bình còn chia sẻ thêm rằng, vì cách nấu miền Bắc, miền Nam phải có một chút màu thì mới bắt mắt, hấp dẫn. Nhưng miền Trung đã quen với kiểu này rồi nên có vẻ sẽ kém sắc hơn. Bên cạnh món canh xương rồng, miền quê xứ biển Bình Định còn có món cháo còng cũng hấp dẫn không kém.
Trong lúc thưởng thức những món ngon của Bình Định, bạn có thể nhâm nhi ly rượu Bàu Đá.