Thôn Hòa Thạnh, xã An Hải, huyện Ninh Phước từng được mệnh danh là "vương quốc tôm", nơi đã sản sinh ra những tỷ phú, triệu phú nghề tôm. Vậy mà bây giờ, nguy cơ trở thành con nợ đang chực chờ...
Nước mắt làng tôm
Hơn 100ha đìa tôm, hàng năm đem về cho người nuôi tôm nơi đây hơn 30 tỷ đồng. Vậy mà chỉ sau một đêm, thủy thần đã cướp đi tất cả. Là nơi hợp lưu của 2 con sông lớn của Ninh Thuận trước khi đổ ra biển: Sông Lu và sông Dinh, lại là vùng trũng thấp, vì thế nên khi lũ về, cả làng Hòa Thạnh ngập chìm trong nước.
Ngồi trước đìa tôm còn xâm xấp nước, anh Trương Đức Hiếu nói mà như mếu: "Tui thả hơn 1 triệu tôm thẻ, còn chừng nửa tháng nữa là thu hoạch, vậy mà chỉ sau một đêm là mất sạch". 800 triệu đồng đầu tư vào 6.200m2 ao tôm của anh Hiếu bỗng chốc tan theo dòng nước lũ.
Trong số 800 triệu đồng đó, hơn phân nửa là vay ngân hàng và vay nóng bên ngoài. Bây giờ, anh không biết lấy gì mà trả nợ chứ đừng nói đến chuyện tái đầu tư.
Anh Phan Công Thành, một ND kỳ cựu nuôi tôm ở Hòa Thạnh ngồi nhìn đìa tôm tan hoang với ánh mắt thẫn thờ: "9 tấn tôm của tui chớ ít đâu, bán rẻ lắm cũng được 600 triệu đồng. Vậy mà bây giờ mấy chú coi, mướn dân xuống kéo một buổi chỉ có 400kg mà phân nửa là tôm chết. Kiểu này chắc phải bán nhà trả nợ!".
Ở thôn Hòa Thạnh, xã An Hải, huyện Ninh Phước có không ít người dân từ Quảng Ngãi, Khánh Hòa vào đây thuê đất nuôi tôm, nay Tết đến sau lưng rồi mà chẳng biết lấy gì trả nợ. Ông Huỳnh Ngọc Thơ, từ Quảng Ngãi vào, có 1,2ha tôm chỉ còn chờ ngày thu hoạch, vậy mà… bỗng chốc trở thành con nợ, vì tiền đầu tư, tiền thức ăn cho tôm mấy trăm triệu đều phải vay nóng bên ngoài. Mấy hôm nay ông cứ như người tâm thần, lang thang ngoài vùng đìa hoang tàn. Tiền vay nặng lãi, giờ chỉ có nước bán đìa cũng không trả nổi món nợ 200 triệu vay nóng bên ngoài.
"Nhà nho" cũng khóc
Ninh Thuận đâu chỉ có tôm. Nho là cây đã tạo nên thương hiệu cho vùng đất bán hoang mạc này. Sau lũ, hơn 350ha nho đang chín bói đã biến thành đồ bỏ đi. Anh Nguyễn Trực, một ND trồng nho lâu năm ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước nói: "Vườn nho 2.500m2 của tui, mùa này khoảng 5 tấn trái đã có người đến trả giá 50 triệu đồng rồi nhưng tui chưa chịu bán, để coi thử có thêm được đồng nào không, ai dè…".
Chỉ vào những đống nho bị thối, giập do mưa lũ mà vợ chồng anh đã phải cắt bỏ trong nhiều ngày qua, anh buồn bã: "Tưởng đâu có một cái Tết tưng bừng, ai dè như vầy, giờ không biết lấy đâu ra tiền trả nợ ngân hàng, tiền nợ phân bón các đại lý".
Ông Nguyễn Văn Mọi, thương hiệu Nho Ba Mọi, một "cao thủ" trong làng nho Ninh Thuận cho biết, nho bị ngâm nước lâu ngày thế này thì chỉ có nước nhổ gốc trồng lại chứ không thể sống nổi.
Đầu tư cho một hecta nho tuy không nhiều như tôm nhưng cũng khoảng vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, khi mùa vụ lại trúng thì khả năng hoàn vốn, trả nợ rất cao.
Nông dân vùng lũ đang cần nguồn vốn cho vay với những điều kiện hợp lý để tái đầu tư sản xuất càng sớm càng tốt.
Công Tâm