Dân Việt

Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói gì về việc thành lập "Cục đặc biệt"?

Lương Kết 07/06/2018 18:56 GMT+7
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Tô Lâm, trước đây các vị đại biểu Quốc hội hay nói sao Công an tướng nhiều thế, tuy nhiên Bộ Chính trị đã quy định rõ tổng số cán bộ có cấp hàm tướng trong Công an Nhân dân (CAND – sửa đổi) là 205, hiện nay vẫn vậy và không vượt quá.

img

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (Ảnh IT).

Chiều nay (7.6), Quốc hội thảo luận ở tổ cho ý kiến về dự thảo Luật CAND (sửa đổi). Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đối với quy định cấp bậc hàm tướng, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định dự thảo Luật cũng không làm thay đổi cơ cấu: “Trước đây các vị đại biểu Quốc hội hay nói sao Công an tướng nhiều thế, tuy nhiên Bộ Chính trị đã quy định rõ tổng số cán bộ có hàm cấp tướng trong CAND là 205, hiện nay vẫn vậy và không vượt quá”, Thượng tướng Tô Lâm cho biết.

Bộ trưởng cho biết, việc thăng cấp hàm tướng phải đủ tiêu chuẩn. Ví dụ đối với Bộ trưởng phải lên Thượng tướng 4 năm rồi mới được Đại tướng. 6 Thứ trưởng là 6 Thượng tướng, điều này đã được ghi rõ trong luật. Tuy nhiên không phải cứ Thứ trưởng là lên cấp hàm Thượng tướng, hiện nay có Thứ trưởng đang là Trung tướng vì chưa đủ tiêu chuẩn.

Về Cục đặc biệt, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Cục đặc biệt nếu gộp 5-6 Cục thì Cục trưởng phải được hàm Trung tướng. Sau khi tinh gọn bộ máy, Bộ Công an có 60 Cục, nếu bố trí tất cả Cục trưởng và Giám đốc Công an địa phương 63 tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cấp tướng thì tổng số mới hơn 120, cộng với số tướng còn lại vẫn chưa đủ 200. Còn nếu đề nghị Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I mang cấp bậc hàm cấp tướng thì cũng chỉ hơn chục người.

Bộ trưởng nêu một bất cập nữa là nếu Giám đốc Công an tỉnh chỉ Đại tá khi được quy hoạch Thứ trưởng thì không thể lên Thượng tướng, vì phải mất mười mấy năm. “Nếu đúng đề xuất như chúng tôi thì thuận lợi, còn nếu không rất bất cập, rất khó trong luân chuyển cán bộ”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Trước đó, góp ý dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng việc sửa đổi luật là rất cần thiết, nhất là trong điều kiện ngành công an đang tiên phong thực hiện đề án đổi mới sắp xếp tinh gọn bộ máy, bỏ cấp Tổng cục và giảm số lượng Cục.

Liên quan quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I, đại biểu Nguyễn Thị Xuân bày tỏ sự băn khoăn. Theo đại biểu, sau khi bỏ Tổng cục thì Cục trưởng và Giám đốc Công an là cấp liền kề với cấp lãnh đạo Bộ Công an, trong khi Cục trưởng cấp hàm lên đến Thiếu tướng, Trung tướng còn Giám đốc Công an chỉ là Đại tá là không hợp lý. Bà nói thêm, Giám đốc Công an cấp tỉnh được quy hoạch Thứ trưởng nhưng chỉ là đại tá thì đến nghỉ hưu cũng không lên được hàm Trung tướng, Thượng tướng.

Đại biểu Đặng Thuần Phong cho biết, ông tán thành với loại ý kiến quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an cấp tỉnh phải tương đương với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh để bảo đảm tương quan trong hệ thống chính trị và giữa lực lượng CAND với Quân đội nhân dân ở địa phương.

“Cùng là lực lượng vũ trang với nhau, người đứng đầu quân sự và công an tỉnh nên ngang cấp. Cũng không nên phân loại 1, 2 theo đô thị bởi đặc điểm đó là không đúng. Nếu phân loại cần phải theo yêu cầu nhiệm vụ của Công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ở những nơi tội phạm nhiều, phức tạp, giám đốc Công an tỉnh là Thiếu tướng nghe hơp lý hơn. Còn đưa tiêu chuẩn đô thị loại 1 giám đốc Công an được cấp tướng, còn địa phương kia không phải đô thị loại 1, giám đốc Công an không được cấp tướng là không phù hợp”, đại biểu Phong nói.