Lê Thị Ngân sống với bà nội trong một quán nước nhỏ đầu thôn La Phẩm, xã Tản Hồng (Ba Vì, Hà Nội). Ngân phụ bà bán nước chè chén, dăm cái kẹo lạc cho những bác nông dân quen hút thuốc lào của cô, vài gói bim bim cho đám trẻ con trong làng.
Lúc rảnh rỗi cô ngồi may quần áo bằng cái máy may nhỏ xíu, trước tiên là may cho mình, vì cơ thể cô gái 28 tuổi này chỉ bằng đứa bé lớp 2, chẳng có cỡ nào vừa. Rồi nếu có ai nhờ, cô nhận may để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Ngân còn móc giày len, mũ len cho các bà mẹ trẻ trong làng, cứ xoay xỏa thế mà kiếm sống.
Nhà Ngân nghèo, bố là cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam, bệnh tật của cô khiến cả nhà nghèo thêm. Nỗi mặc cảm bệnh tật khiến cô gái sống khép kín. Từ khi được tham gia dự án Photo Voice dành cho người khuyết tật, Ngân tự tin hẳn ra. Rồi từ đó, cô mới mạnh dạn gửi một chùm ảnh dự thi cho cuộc thi ảnh “Đất & Người” của báo Nông thôn Ngày nay.
Ảnh của Ngân là tiếng nói thầm kín của cô, là ước mơ, ước ao bình dị của một người không gặp may từ khi lọt lòng mẹ. Ngân chụp những đứa trẻ làng cô, lũ trẻ được sinh ra dưới những chòm sao may mắn, dù cha mẹ chúng nghèo, nhưng chúng có đôi chân, đôi tay lành lặn, để nhảy những bước chân sáo trên đường làng và nô đùa khắp nơi.
Nỗi mặc cảm của Ngân khi bị bầy trẻ trêu chọc đã tan biến hết khi cô cầm trên tay chiếc máy ảnh, nhờ nó mà bầy trẻ đã không còn trêu Ngân, trái lại, còn thích thú khi được Ngân chụp ảnh.
Ngân chụp những bà mẹ trẻ trong hội những người khuyết tật huyện Ba Vì
nơi cô là thành viên, mỗi bức ảnh dồn nén biết bao khát khao và ước mơ
đầy tính bản năng của một người phụ nữ. Tình yêu người, tình yêu đời
được Ngân dồn vào ống kính, cô chụp mẹ con Hương- một người bạn thân
đang rửa mặt cho nhau, chị hàng xóm bắt ốc… Mỗi Bức ảnh nhỏ, một câu
chuyện cũng nhỏ, nhẹ nhàng thủ thỉ mà không “bình dị” chút nào. Xúc động
nhất là ảnh Ngân chụp Mẹ; Mẹ gò lưng kéo xe gạch nặng trên đường làng,
Mẹ đang gắng cất lên vai gánh rau nặng, và Mẹ qua người phụ nữ không
quen đang dầm mưa “Mẹ tôi cũng thường phải dầm mưa như thế” . Có thể đọc
ra đằng sau những bức ảnh của Ngân là một trái tim ấm, một tâm hồn nhạy
cảm, rất dễ xúc động với những thân phận, hoàn cảnh yếu ớt, cần sự chở
che.
Lâu rồi không về lại làng La Phẩm, không biết quán nước chè
chén của bà cháu Ngân thế nào, chẳng biết cô thợ may bé nhỏ đang sống ra
sao, nhưng nhìn chùm ảnh của Ngân được đăng trên cuộc thi “Đất &
Người”, chợt vui lạ vì biết em vẫn bình yên như thế. Vẫn vượt lên trên
số phận để yêu đời, yêu người thiết tha bằng trái tim nhân hậu, để quên
đi những cay đắng mà em đang phải hứng chịu.
Ngân hãy chụp nữa đi,
chụp thật nhiều, để qua ống kính của em, chúng tôi được thấy cuộc đời
này hãy còn đáng yêu và vô cùng đáng sống.