Tối qua (8.6), lễ kỷ niệm 10 năm phát động cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”; tổng kết, trao giải cuộc thi viết lần thứ IX (2017-2018) và chương trình giao lưu - nghệ thuật với chủ đề “Khắc sâu lời Bác dạy” đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tham dự chương trình có Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, cùng 70 đại biểu đã đồng hành, được tôn vinh trong cuộc thi viết 10 năm qua. Ảnh: T.A
Đây là hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11.6.1948 – 11.6.2018), kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2018).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đến dự, trao thưởng cho các tác giả đoạt giải.
Phát biểu tại lễ trao giải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết: Cuộc thi được phát động cách đây 10 năm, đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Vượt lên khuôn khổ một cuộc thi, viết về những tấm gương bình dị mà cao quý là biểu hiện cụ thể sinh động về tình cảm tâm huyết của báo Quân đội nhân dân và những người làm báo với Bác Hồ kính yêu, với công tác xây dựng Đảng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, lãng phí.
“Hôm nay chúng ta cùng gặp mặt kỷ niệm 10 năm cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Một lần nữa ghi nhận, tôn vinh, những thành quả sáng tạo của tác giả, nhóm tác giả đã đạt giải thưởng” – ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, 10 năm, 9 lần thi với gần 4.000 tác phẩm báo chí của các tác giả trên khắp cả nước viết về “những tấm gương bình dị mà cao quý” là những tập thể, tấm gương tiêu biểu trong cuộc học tập và làm theo Bác, về ý chí và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ về tinh thần phục vụ nhân dân. Thể hiện ý chí, trách nhiệm, đức hi sinh, lòng dũng cảm, nhân ái, yêu thương con người và đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tiếp tục đấu tranh với những mặt xấu, tiêu cực trong cuộc sống.
Các tấm gương điển hình giao lưu tại chương trình
Trong khuôn khổ chương chình, nhiều câu chuyện cảm động về những tấm gương điển hình đã chia sẻ những tâm tư tình cảm đầy xúc động. Ông Ngô Văn Léo (tên thường gọi Sáu Léo), người 40 năm cứu sống hơn 200 người gặp nạn trên sông Cẩm Lệ nghẹn nào: “Ngày xưa khi cha dạy bơi cho ông đã căn dặn sau này phải noi gương cha cứu người. Vì vậy, khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh ông Léo không thể làm ngơ. Thấy người chết mà không cứu sao được! Cứu được mạng người là vui rồi”.
Đặc biệt, tại đây một món quà bất ngờ dành cho cô giáo Nguyễn Thị Nhung - hiện đang công tác tại điểm trường mầm non bản Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Căng Chải. Đó là, một vị bác sĩ tham dự trong chương trình đã dành tặng 100 triệu đồng hỗ trợ điểm trường của cô giáo Nhung. Một vị bác sĩ khác đã nhận sẽ phẫu thuật tim miễn phí cho con gái 8 tuổi của cô Nhung đang bị bệnh tim (bác sĩ Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện nội tiết Trung ương và bác sĩ Lê Ngọc Thành, Giám đốc bệnh viện E).
Được biết, cô giáo Nhung cùng với 2 cô giáo khác là những giáo viên đang dành về mình những gian khó, thiệt thòi, để “mở đường” cho những đứa trẻ vùng cao có cơ hội vươn tới tương lai tươi sáng. "Nhìn thấy học sinh có nhiều khó khăn, đói khổ thì cũng thương học sinh như thương con của mình" - cô giáo Nguyễn Thị Nhung nghẹn ngào chia sẻ tại chương trình.
Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ IX (2017-2018) do Báo Quân đội nhân dân, Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam phối hợp tổ chức, đã nhận được gần 200 tác phẩm dự thi.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao giải Nhất cho tác giả ĐặngThu Hà
Các tác phẩm phản ánh, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những tấm gương người tốt - việc tốt có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội… Hội đồng chung khảo đã lựa chọn 21 tác phẩm xuất sắc để trao giải, trong đó có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 15 giải Khuyến khích.
Trong đó, Giải Nhất thuộc về tác phẩm “Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng”. Qua 9 lần tổ chức cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được gần 4.000 tác phẩm, trong đó có gần 1.500 tác phẩm được chọn đăng trên các ấn phẩm Báo Quân đội nhân dân.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã phát động cuộc thi viết “ Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ X (năm 2018-2019).