Dân Việt

Thi hoa hậu là hoạt động giải trí, tại sao phải kỳ thị bikini?

Hoàng Lê 11/06/2018 07:55 GMT+7
Bản chất các cuộc thi Hoa hậu cũng chỉ mang tính chất giải trí là nhiều. Đừng khoác cho nó nhiều ý nghĩa lớn lao như tôn vinh trí tuệ, tài năng hay tâm hồn người phụ nữ mà kỳ thị một phần thi rất hợp với nó là màn bikini.

img

Nên hay không bỏ phần thi áo tắm trong các cuộc thi sắc đẹp?

Phong trào bỏ thi bikini

Các cuộc thi hoa hậu từ Á sang Âu, từ địa phương cho tới quốc tế lâu nay nói chung vẫn có màn trình diễn bikini như một trong những phần thi cơ bản không thể thiếu. Thế nhưng, những năm gần đây, một số tổ chức hoa hậu lớn nhỏ trên thế giới bất ngờ tuyên bố “nói không với bikini” trong các cuộc thi của mình. Lớn nhất là Miss World (Hoa hậu thế giới). Năm 2014, cuộc thi này đã bỏ đi phần thi bikini trong đêm chung kết, sau 63 năm tổ chức. Và từ năm 2015 thì bỏ hẳn khỏi cuộc thi.

Một sự kiện gây xôn xao mấy ngày nay trong giới giải trí là việc cuộc thi Hoa hậu Mỹ (Miss America, phân biệt với cuộc thi nổi tiếng khác là Miss USA) cũng khẳng định sẽ không còn phần thi áo tắm nữa. Điều lệ thay đổi bắt đầu từ cuộc thi năm nay vào tháng 9 tới. Ngoài ra, còn cuộc thi Hoa hậu Italia, từ năm 2012 cũng bắt thí sinh mặc áo tắm một mảnh thay vì bikini. Và cuộc thi Hoa hậu Thế giới Trung Quốc cũng tuyên bố loại bỏ phần thi này từ năm 2015.

Những tổ chức, đơn vị quyết định bỏ phần thi bikini cũng đưa ra những lý giải của mình. Với việc thay bikini bằng áo tắm một mảnh đen - trắng, Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Italia không giấu giếm nỗ lực khôi phục lại vẻ đẹp cổ điển của thập niên 1950. Trong khi đó, bà Julia Morley, Chủ tịch tổ chức Miss World phát biểu với tạp chí Elle nhân quyết định loại bỏ phần thi bikini. “Tôi không quan tâm người này có vòng hông to hơn người kia 5 cm. Chúng tôi thực sự không nhìn vào vòng hông của cô ấy. Chúng tôi lắng nghe những gì cô ấy nói”. Bà bày tỏ hy vọng sẽ thay đổi cảm quan về cuộc thi, nhấn mạnh vào trí tuệ hay tính cách thí sinh hơn là vẻ đẹp thể chất.

img

Lê Âu Ngân Anh trong phần thi bikini Hoa hậu Đại dương

Nói về việc loại bỏ màn bikini, ông Yu Zichuan, Tổng thư ký tổ chức Miss World Trung Quốc cho biết, màn thi này thể hiện sự không tôn trọng với phụ nữ và mang đến những thông điệp sai lầm trong quan niệm về cái đẹp ở các cuộc thi nhan sắc. Còn bà Gretchen Carlson, Chủ tịch tổ chức Hoa hậu Mỹ nói trên chương trình Good Morning America rằng, cuộc thi sẽ tập trung vào tài năng, trí tuệ và những ý tưởng của các thí sinh.

Trên thực tế, không phải đến bây giờ mới có ý kiến trái chiều về phần thi bikini trong các cuộc thi Hoa hậu. Trong lịch sử, đã có không ít lần màn thi này bị phản đối. Vào cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, phong trào nữ quyền đang lên và ảnh hưởng khá lớn tới các cuộc thi Hoa hậu. Những người phản đối cho rằng việc đánh giá phụ nữ dựa vào ngoại hình của họ là một sự xúc phạm và làm hại thanh danh. Tháng 11.1970, một nhóm các nhà hoạt động nữ quyền đã xông vào sân khấu của Nhà hát Hoàng gia Anh Albert Hall để phá hủy cuộc thi Hoa hậu Thế giới đang diễn ra tại đây. Sự việc ảnh hưởng đến mức, trong những năm sau đó, dù Miss World vẫn được tổ chức nhưng đài BBC đã không truyền hình cuộc thi này trong suốt thập niên 1980.

Đừng quá đề cao cuộc thi Hoa hậu

Nhìn thì “làn sóng” loại bỏ bikini có vẻ đang lan tỏa, nhưng thực tế vẫn còn là quá ít so với những cuộc thi kiên quyết giữ màn thi này. Bằng chứng là trong các cuộc thi sắc đẹp lớn trên thế giới, hiện chỉ có một mình Miss World nói không với bikini. Trong khi đó, tất cả các tổ chức khác như Miss Universe, Miss International, Miss Earth, Miss Grand International, Miss Supranational... đều duy trì màn thi truyền thống này.

Các cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ ở các quốc gia cũng hầu hết vẫn giữ màn thi bikini như một phần không thể thiếu. Thực ra, việc giờ đây phản đối màn bikini thì e rằng suy nghĩ không những không tiến bộ mà còn hạn chế. Thứ nhất, việc mặc bikini ở nơi công cộng cho phép (bãi biển, bể bơi, sàn diễn, thậm chí công viên...) không có gì là ghê gớm.

Việc phụ nữ ngày nay thoải mái xuất hiện với bikini trong các bộ hình thời trang tạp chí hay khoe những tấm ảnh áo tắm trên mạng xã hội cũng được nhìn nhận rất bình thường. Thì việc họ trình diễn trên sân khấu không có gì đáng ầm ĩ, đáng bị quy kết đạo đức bằng những từ to tát.

img

Thứ hai, nhiều người (và cả các tổ chức như: Miss World hay Miss America ở trên) nêu lý do bỏ bikini để tập trung vào “trí tuệ, tài năng và tâm hồn” của thí sinh. Đó là một suy nghĩ ảo tưởng, có phần đạo đức giả. Hoa hậu, bản chất nó đã là cuộc thi chọn người đẹp. Sau mỗi cuộc thi, nhan sắc bao giờ cũng là điều người ta quan tâm đầu tiên và bình luận nhiều nhất về tân Hoa hậu. Vóc dáng, body là một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn, hay có thể nói là giá trị của một người đẹp. Và nó phải được tính như các yếu tố khác.

Thứ ba, điều này quan trọng hơn. Không phải chỉ màn thi bikini mà chính cả các cuộc thi Hoa hậu cần được nhìn nhận đúng vị trí. Hiện tại, 2 cách nhìn hoặc miệt thị hoặc quá đề cao các cuộc thi, các Hoa hậu đều không phải là cách ứng xử đúng. Bỏ bikini để tôn vinh hơn trí tuệ, tài năng và tâm hồn ư? Các cuộc thi Hoa hậu giương khẩu hiệu này quá nhiều nhưng thực tế không có cơ chế để thực hiện tốt điều đó.

Đừng ảo tưởng chỉ qua một cuộc tập trung mấy tuần mà hiểu rõ được tâm hồn của một cô gái. Càng đừng nghĩ qua một đôi câu trả lời ứng xử mà đánh giá được trí thông minh của ai. Còn tài năng có lẽ dành cho những cuộc thi chuyên môn có các Ban giám khảo chuyên môn thì xác đáng hơn.

Đừng khoác những cái áo quá to lớn cho một người đẹp như "đại diện trí tuệ và tâm hồn".

Đừng quá đề cao một chiến thắng, vốn chỉ được chọn bởi một nhóm 9-10 người (giám khảo) nào đó. Hoa hậu ở Việt Nam hiện nay (và cả ở nhiều nơi trên thế giới) được gán cho quá nhiều sứ mệnh, dẫn đến một mặt được tung hô quá nhiều mặt khác bị "săm soi" quá đáng.

Hãy nhìn nhận đúng giá trị, Hoa hậu là một cuộc thi có tác dụng lớn nhất là giải trí. Khi ấy, sẽ thấy phần thi bikini mới đích thực là phù hợp với nó hơn cả.