Chính vì vậy, việc phát triển tràn lan về diện tích và nhất là việc không kiểm soát được nguồn gốc cây giống đối với loại cây trồng này đang là vấn đề bức xúc của địa phương.
Nông dân Lâm Đồng đang bị thu hút bởi cây mắc ca. Ảnh: Khắc Dũng |
Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, năm 2006, đơn vị đã đưa giống cây mắc ca về trồng thử nghiệm ở 3 vùng sinh thái điển hình của tỉnh, với quy mô 3 – 4 sào/mô hình, theo hình thức xen canh trong vườn cây cà phê.
Tiếp đến, năm 2007, Công ty TNHH Mắt Đá (TP. HCM) cũng đã tiến hành trồng thử nghiệm vài chục hécta tại 4 khu vườn ở 2 huyện Lâm Hà và Đơn Dương. Đến cuối 2009 và đầu 2010, những vườn mắc ca của 2 đơn vị này đã bắt đầu cho quả.
Điều đặc biệt là về lý thuyết thì cây mắc ca sau khi trồng từ 5 – 10 năm mới cho thu hoạch (tùy theo trồng bằng hạt hoặc cây ghép), nhưng trên thực tế ở Lâm Đồng, vườn mắc ca của 2 đơn vị này chỉ mới 3 năm đã bắt đầu cho quả bói và đến năm thứ 4 cho thu hoạch chính thức. Ngoài ra, cũng về lý thuyết mà nói, việc trồng xen mắc ca trong vườn cà phê không chỉ tạo tán che mát cho vườn (mắc ca là cây thân gỗ), mà còn là nguồn thu nhập phòng bị nếu cà phê rớt giá.
Hiện tại, hầu hết giống mắc ca đã được đưa vào trồng thử nghiệm ở Lâm Đồng và ở Tây Nguyên đều được nhập từ Australia, Trung Quốc và Thái Lan với khoảng 20 giống. Còn việc nghiên cứu lai tạo, nhân giống để chủ động nguồn cây giống tại chỗ hiện đang được Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tiến hành vẫn chưa có kết quả chính thức.
“Nông dân chỉ thấy lợi trước mắt là làm chứ chưa tuân thủ quy trình quản lý về chất lượng cây giống. Trước dấu hiệu phát triển tràn lan cây mắc ca trong dân, không ai dám chắc chắn rằng toàn bộ diện tích đó đều được đảm bảo trong vòng 10 hoặc 15 năm tới, khi cây mắc ca bước vào giai đoạn sung mãn cho trái, cũng chính là lúc mầm bệnh khởi phát” – ông Phạm Văn Án nói.
Ông Án cho biết thêm: Sở NN&PTNT Lâm Đồng sẽ tiến hành kiểm tra thực trạng của việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh trong thời gian sớm nhất để tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quản lý chất lượng nguồn giống đối với loại cây trồng này.
Võ Khắc Dũng