Mới tờ mờ sáng, nhiều người đàn ông ở xã Hải Triều (Hải Hậu- Nam Định) đã í ới gọi nhau ra cửa biển. Bãi bồi chạy dọc theo chân đê biển nơi đây là nơi con ngao sinh sống và cũng là nguồn lợi nuôi sống nhiều hộ dân nơi đây.
Công việc này phụ thuộc theo thủy triều và diễn ra hầu như quanh năm, đây cũng là nghề chính mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình ở huyện Hải Hậu. Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, nhờ làm nghề này mà nhiều “thợ săn” ngao chuyên nghiệp ở huyện miền biển Hải Hậu đã có thu nhập lên đến vài trăm ngàn đồng/ngày.
Công cụ bắt ngao biển của ngư dân ven biển huyện Hải Hậu
Theo những gười dân ở đây cho hay, cồn cát ven biển của huyện Hải Hậu rất nhiều ngao và không bao giờ hết ngao. Vì thủy triều lên kéo theo những con ngao từ ngoài biển vào. Nước rút đi, chúng lại lặn sâu dưới cát, con người muốn hưởng lộc biển thì phải chịu đổ mồ hôi nạo xuống lớp cát để bắt chúng.
Là một “thợ” bắt ngao chuyên nghiệp ở huyện Hải Hậu, ông Nguyễn Văn Minh (62 tuổi) ở xã Hải Triều (Hải Hậu) đã hơn 10 năm gắn bó với cái nghề độc đáo này. Đặt cây nạo xuống bãi cát, ông Minh buộc sợi dây cước ở giữa thân nạo vào bụng để có sức kéo rồi kéo lê trên mặt cát.
Trung bình mỗi người có thể bắt được từ 5 đến 10kg ngao to nhỏ, được bán với giá dao động từ 25-60 ngàn đồng/1kg
Vừa nạo ngao ông Minh cho hay, nghề bắt ngao này là nghề truyển thống có từ lâu đời rồi, nghề này tuy hơi vất vả nhưng thu nhập cũng khá cao, nhờ đó mà có đồng ra đồng vào để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
“Những năm trước ngao nhiều, giá rẻ nên làm nghề này cũng không ăn thua mấy. Nhưng thời gian gần đây, ngao bắt ở tự nhiên được thị trường ưa chuộng hơn nên có giá khá cao, vì vậy làm nghề này cũng cho thu nhập cũng khá. Đi làm mà tiết kiệm thì cũng chẳng thua kém nghề nào, nhưng phải chịu ướt át, vất vả một tý”, lão nông nói.
Ngao biển được thị trường ưa chuộng hơn nên có giá cao hơn so với ngao nuôi.
Chia sẻ với PV, anh Trần Văn Hoàn (35 tuổi) ở xã Hải Triều cho biết, ngao chúng sống nhiều ở dưới các bãi cát ven biển nên muốn bắt chúng còn tùy thuộc vào thủy triều. Để hành nghề, người dân chỉ cần bỏ một ít tiền mua một chiếc cào tre là có thể hành nghề và kiếm ăn được rồi.
Nghề bắt ngao biển đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân nơi đây.
“Mấy năm nay, ngao biển được giá, lại có thương lái đến tận nhà thu mua, nên không lo đầu. Trung bình mỗi ngày tôi bắt được hơn chục kg cả to lẫn nhỏ, loại nhỏ thì bán với giá từ 20.000-25.000 đồng/1kg, còn loại to thì bán với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg. Tính ra thì mỗi ngày được vài trăm ngàn, có tiền nuôi các cháu ăn học” – anh Hoàn vui vẻ cho biết thêm.