Dân Việt

Vụ án oan bi thảm chấn động lịch sử Việt Nam

Nguyễn Thanh Tuyền 15/06/2018 16:25 GMT+7
Nếu vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương hiện được đánh giá là có chứa nhiều tình tiết oan sai chưa được làm rõ, thì lật lại trong lịch sử Việt Nam cũng xuất hiện những vụ án oan từng gây chấn động dư luận. Một trong số đó là vụ án oan cực bi thảm khiến vương triều nhà Trần một thời điên đảo.

Kẻ chủ mưu gây ra vụ án oan rúng động triều Trần là Anh Tư Nguyên Phi, một phi tần của Trần Minh Tông (1314-1329). Anh Tư Nguyên Phi (?-1365), người họ Lê, không rõ tên thật là gì, được Trần Minh Tông yêu mến và phong dần đến bậc Nguyên Phi (chỉ thấp hơn Hoàng Hậu). Bà đã sinh cho Trần Minh Tông hai Hoàng Tử, là Hoàng Tử trưởng Trần Vượng (năm 1319) và Hoàng Tử thứ ba Trần Phủ (1321). Năm 1328, Trần Minh Tông quyết định lập Thái Tử. 

Quyết định ấy đã khiến nội bộ triều thần chia rẽ, tạo cơ hội cho Anh Tư nắm lấy và thi triển mưu gian hòng giành ngôi vị cho con trai. Xin theo những ghi chép trong Đại Việt sử kí toàn thư mà kể lại diễn biến của câu chuyện này như sau.

Lập thái tử, triều thần phân hóa

Trần Minh Tông sinh năm 1300, đến năm 14 tuổi thì được vua cha Trần Anh Tông truyền ngôi. Năm 19 tuổi, Trần Minh Tông có Hoàng Tử đầu lòng là Trần Vượng. Năm 1323, Minh Tông lập con gái của Hoàng Thúc Trần Quốc Chẩn (em ruột Trần Anh Tông) làm Hoàng Hậu. Nhưng Hoàng Hậu lại chậm sinh Hoàng Tử. Đến năm 1328, tức là sau 5 năm nhập cung mà Hoàng Hậu chưa sinh nở gì. Lúc ấy, Trần Minh Tông ở ngôi đã 15 năm, nhu cầu chọn người thừa kế đã trở nên bức thiết. Ý muốn là như vậy nhưng Trần Minh Tông chưa thể thực hiện ngay được vì ông phải đối diện với hai nỗi băn khoăn lớn:

- Nỗi băn khoăn thứ nhất là Hoàng Hậu tuy muộn con nhưng Trần Quốc Chẩn lại chủ trương đợi Hoàng Hậu sinh Hoàng Tử mới định ngôi Thái Tử. Trần Quốc Chẩn không chỉ là Hoàng Thúc mà còn là đại thần tin cẩn, đức cao vọng trọng, nếu giờ đây lập Thái Tử thì Trần Minh Tông không biết phải ăn nói thế nào với cha vợ.

- Nỗi băn khoăn thứ hai là nếu lập Thái Tử thì nên chọn người nào trong số các Hoàng Tử. Lúc bấy giờ, ngoài Trần Vượng, Trần Minh Tông còn có Hoàng Tử Trần Nguyên Trác, Trần Phủ và những Hoàng Tử khác.

img

 Đền thờ Trần Quốc Chẩn (tại thôn Nẻo, xã Chí Minh, thị xã Chí Linh, Hải Dương).

Trần Minh Tông không biết tính thế nào cho phải, bèn đem ý định lập Thái Tử nói với triều thần. Trần Quốc Chẩn nghe nói thì không chấp nhận, vẫn kiên trì ý kiến của mình. Theo ý ông, nếu Hoàng Hậu chưa sinh Hoàng Tử thì ngôi Thái Tử hãy tạm thời để trống.

Trong số những đại thần là người tôn thất, Cương Đông Văn Hiến Hầu (con trai Thái Sư Trần Nhật Duật) không ưa gì Trần Quốc Chẩn nên đã phản bác Trần Quốc Chẩn và biện hộ cho ý muốn của Trần Minh Tông. Văn Hiến Hầu cho rằng Trần Minh Tông nên lập Hoàng Tử trưởng Trần Vượng là hợp lí hơn cả. Trong số các quan lại, Thiếu Bảo Trần Khắc Chung cũng ngả theo Văn Hiến Hầu. Trần Khắc Chung cùng quê với Anh Tư Nguyên Phi, lại là thầy học của Trần Vượng, tất nhiên thấy được mối lợi lớn nếu Trần Vượng trở thành Thái Tử.

Kể từ đó, trong triều phân thành hai phe khác nhau. Một phe ủng hộ Hoàng Hậu, chờ Hoàng Hậu sinh đích tử, do Trần Quốc Chẩn đứng đầu. Phe kia đề nghị lập Trần Vượng, do Văn Hiến Hầu và Trần Khắc Chung chỉ huy. Hai phe tranh cãi kịch liệt khiến Trần Minh Tông càng đau đầu hơn. Do bất đồng quan điểm, mâu thuẫn giữa hai phe càng ngày càng trở nên gay gắt.

Cuộc đấu tranh giữa hai phe phái nói trên được Anh Tư Nguyên Phi theo dõi sát sao. Khi thấy mâu thuẫn giữa hai bên lên đến đỉnh điểm, vị Nguyên Phi này đã quyết định nhập cuộc.

Mượn sức người, Anh Tư giành ngôi

Anh Tư không trực tiếp ra mặt mà thông qua Văn Hiến Hầu để giành ngôi cho con. Bà ta liên hệ với Văn Hiến Hầu để bàn bạc đối sách. Theo dõi những diễn biến vừa qua, Anh Tư thấy sở dĩ Trần Minh Tông còn chần chừ chưa quyết là bởi ông quá e ngại uy vọng của Trần Quốc Chẩn. Bởi thế, Trần Quốc Chẩn mới có thể hô hào các quan không tuân theo ý muốn của Hoàng Đế. Anh Tư còn thấy rằng, uy vọng của Trần Quốc Chẩn tuy lớn nhưng đó lại là con dao hai lưỡi. Trần Quốc Chẩn không thể tránh khỏi con mắt nghi kị, dò xét của nhiều người. Từ phân tích như vậy, Anh Tư cho rằng cần đánh vào điểm yếu ấy để triệt hạ Trần Quốc Chẩn. Hai người xảo quyệt vạch ra một gian kế và Văn Hiến Hầu lập tức triển khai hành động.

Văn Hiến Hầu đem 100 lạng vàng mua chuộc Trần Phẫu là gia thần của Trần Quốc Chẩn, bảo Trần Phẫu vu cho Trần Quốc Chẩn có ý mưu phản. Thấy lợi quên nghĩa, Trần Phẫu đã nhẫn tâm vu cáo chủ trước mặt Trần Minh Tông. Trần Minh Tông nghe chuyện liền cho là thật, vội sai bắt giam Trần Quốc Chẩn ở chùa Tư Phúc.

Trần Minh Tông chưa biết xử trí Trần Quốc Chẩn ra sao. Ông đem chuyện này hỏi ý kến Trần Khắc Chung và đó là sai lầm chết người của ông. Trần Khắc Chung không chút e dè, nói ngay một câu đầy ẩn ý rằng: “Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó”. Trần Minh Tông hiểu ý, liền hạ lệnh cấm không cho Trần Quốc Chẩn ăn uống đến chết thì thôi. Qua nhiều ngày đói khát mà Trần Quốc Chẩn vẫn sống. Một hôm, Hoàng Hậu lẻn vào thăm và tẩm nước vào áo rồi vắt cho cha uống. Chẳng ngờ, Trần Quốc Chẩn uống xong thì chết. Biết tin, Trần Minh Tông đã xuống chiếu lột hết quan tước của cha vợ. Án oan của Trần Quốc Chẩn còn liên lụy đến hơn 100 người thân thuộc. Tất cả họ đều bị bắt, bị tra khảo và gán cho những tội danh khác nhau. Riêng Hoàng Hậu may mắn không bị truy vấn điều gì và vẫn giữ được ngôi vị.

Án oan của Trần Quốc Chẩn những tưởng không bao giờ được làm sáng tỏ. Nhưng về sau, vợ cả và vợ lẽ của Trần Phẫu trong một lần ghen nhau, đã gặp Trần Minh Tông tố cáo chuyện Trần Phẫu vu oan cho Trần Quốc Chẩn. Trần Minh Tông rất ân hận và hạ lệnh tra xét lại vụ án. Trần Phẫu sau đó bị xử tử, Văn Hiến Hầu thì bị tước bỏ tư cách người tôn thất, phế làm dân thường, còn Trần Khắc Chung sau khi chết cũng bị người nhà của Trần Quốc Chẩn quật mồ băm xác. Trần Minh Tông còn khôi phục lại quan tước và hạ lệnh xây một ngôi đền để thờ cúng Trần Quốc Chẩn.

Trần Quốc Chẩn đã chết, Văn Hiến Hầu và Anh Tư Nguyên Phi hí hửng vì đã diệt được đối thủ. Trần Minh Tông không phải e dè gì nữa, trước lời tâu xin của Văn Hiến Hầu cùng phe cánh, đã phong Trần Vượng làm Thái Tử. Sau đó không lâu, ông nhường ngôi cho Thái Tử để lên làm Thái Thượng Hoàng. Đó là năm 1329, một năm sau khi Trần Quốc Chẩn chết.

Khéo lợi dụng xung đột giữa các triều thần, không lộ diện mà chỉ ngấm ngầm vạch kế, để rồi mượn tay Văn Hiến Hầu hãm hại Trần Quốc Chẩn, Anh Tư đã mau lẹ nhổ được cái gai trước mắt. Trần Quốc Chẩn không còn, con đường tương lai của mẹ con Anh Tư thênh thang hơn bao giờ hết. Sau này, khi Trần Vượng mất và con trai Hoàng Hậu lên kế vị (năm 1341), Anh Tư chẳng những không bị Hoàng Hậu báo thù mà còn được đối đãi tốt. Bà ta sống rất lâu, mãi đến năm 1365 mới qua đời. Năm 1371, Trần Phủ con bà ta sau khi lên ngôi, đã truy phong mẹ làm Minh Từ Hoàng Thái Phi. “Những người làm ác thì trời chẳng tha”, câu nói ấy dường như không dành cho Anh Tư!