Dân Việt

Vụ tụ tập, đập phá ở Bình Thuận: Bày tỏ quan điểm thế nào là đúng?

Đình Việt 12/06/2018 07:39 GMT+7
Từ vụ việc tụ tập, đập phá quá khích ở Bình Thuận, đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế cho rằng, tất cả người dân có quyền thể hiện trách nhiệm với đất nước, nhưng phải tìm hiểu một cách cặn kẽ trước khi bày tỏ thái độ, quan điểm.

Trả lời trong chương trình “Vấn đề hôm nay” tối 11.6 của VTV, ông Lưu Bình Nhưỡng - ĐBQH, Uỷ viên Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trước tình hình đang xảy ra tại Bình Thuận, rất nhiều ĐBQH đã có những trao đổi bên ngoài hành lang với nhau, đây là vấn đề rất đáng quan ngại.

img

Ông Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: IT

“Chúng tôi ủng hộ đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội trên cơ sở đề xuất của Chính phủ là lắng nghe ý kiến của nhân dân và dừng lại việc thông qua dự án luật đặc khu trong kì họp này để xem xét, rà soát lại tất cả những quy định để đảm bảo làm sao vừa hợp lòng dân vừa có tính hiệu quả, tính khả thi cao.

Đồng thời để triển khai thực hiện một cách hiệu quả thể chế của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và đặc biệt là cụ thể hóa các quy định của hiến pháp vào trong một đạo luật riêng về khu hành chính đặc biệt”, ông Nhưỡng cho biết.

Vị đại biểu quốc hội cũng cho rằng, tất cả người dân có quyền và cần thể hiện trách nhiệm với đất nước. Nhưng phải tìm hiểu một cách cặn kẽ trước khi bày tỏ thái độ, quan điểm đối với những vấn đề trọng đại.

Phải tìm hiểu thông tin qua kênh báo chí, truyền thông chính thống. Mỗi người dân phải trở thành một bộ lọc, cần tỉnh táo và thông thái đối với những thông tin ngoài lề, nếu không sẽ dễ bị kích động.

“Như Chủ tịch Quốc hội nói, lòng tốt, lòng yêu nước đã bị lợi dụng. Đặc biệt là bị kẻ xấu lợi dụng, đây là điều hết sức đáng tiếc. Hãy tỉnh táo và coi mình là một chủ thể chân chính trong đời sống chính trị của đất nước”, ông Nhưỡng thông tin.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng nhận định, thời điểm này là lúc các thế lực thù địch hay lợi dụng nhất và lợi dụng theo cách đội lốt bằng vỏ bọc là những con người chân chính dưới danh nghĩa là nhà khoa học, nhà quản lý, nhà chính trị rồi những người có vẻ như rất khách quan nhưng thực ra lại đang ấp ủ một mưu đồ mà chỉ chờ thời cơ này để len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống xã hội.

Nói về hậu quả của việc tụ tập quá khích, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, hậu quả trước mắt có thể thấy ngay lập tức là người dân đang mất việc, mất thời gian để đi làm một việc mà thậm chí họ không hiểu là đang làm gì. Đây là hội chứng lan tỏa, lan truyền rất bình thường và đã bị kẻ xấu lợi dụng.

“Khi anh đến đập phá trụ sở, có nghĩa là anh đang đập phá tài sản của chính bản thân anh. Trụ sở đó chẳng phải được xây bằng thuế, bằng mô hôi nước mắt của mình hay sao, đây là một hành động rất thiếu suy nghĩ”, vị đại biểu này nhấn mạnh.

Hậu quả tiếp theo là làm bất ổn chính trị từ đó khiến hình ảnh đất nước trên trường quốc tế bị ảnh hưởng. Nếu bất ổn chính trị, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không muốn vào, đất nước sẽ mất đi một sự giao lưu. Hình ảnh của đất nước phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của người dân.

Đồng quan điểm với ông Lưu Bình Nhưỡng, Tiến sỹ kinh tế Huỳnh Thế Du cũng cho rằng, việc ổn định môi trường kinh doanh để phát triển kinh tế là rất quan trọng. Đây là nền tảng cho sự phát triển do vậy những hành động quá khích làm cho môi trường kinh doanh, không khí xã hội bất ổn từ đó sẽ tác động đến cả nền kinh tế.

“Ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, những doanh nghiệp này đang tạo công ăn việc làm cho người dân. Họ đã bỏ hàng chục tỷ USD để đầu tư vào nền kinh tế của chúng ta. Vì vậy nếu nền kinh tế có sự bất ổn sẽ tạo sự không yên tâm, khi đó người ta sẽ rút đi, hậu quả là người lao động sẽ bị mất việc làm, gia đình, xã hội sẽ bị ảnh hưởng”, ông Du nêu quan điểm.

Ngoài ra, Tiến sỹ Huỳnh Thế Du cũng cho rằng, sự phát triển và ổn định kinh tế là bài giảng tốt nhất cho đời sống của người dân và xã hội. Vì vậy, khi tham gia bày tỏ ý kiến phải đúng địa chỉ, đúng nơi. Nhà nước cũng nên có những kênh phù hợp để người dân được nêu quan điểm.