Đoàn đại biểu có sự tham dự của Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Báo cáo của đại diện huyện Lục Ngạn trong thời gian qua hệ thống y tế của huyện Lục Ngạn đã ngày một củng cố về quy mô, hệ thống hạ tầng và cán bộ. Các cơ sở y tế đã ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong khám, điều trị. Cùng với đó trình độ cán bộ y tế cũng ngày một nâng lên, các trạm y tế xã đều có bác sĩ làm việc, hệ thống Y tế dự phòng được quan tâm nên nhiều năm qua không để xảy ra dịch bệnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh (ngoài cùng, bên phải), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (áo xanh) thăm trạm y tế xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Đặc biệt số người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 97%... đối với các trạm y tế xã, thị trấn đến nay đã có 04 trạm y tế xã đủ điều kiện quản lý điều trị bệnh đái tháo đường. Cùng với đó công tác quản lý bệnh tăng huyết áp được triển khai từ năm 2012 đến nay đã có 26/30 xã quản lý và điều trị tăng huyết áp với 2626 bệnh nhân …
Các đại biểu thăm hỏi bà con đến khám tại trạm y tế Hồng Giang.
Phát biểu tại buổi làm việc Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà công tác y tế cơ sở trên huyện Lục Ngạn đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí Bộ trưởng cho biết hiện nay Bộ Y tế đã đẩy mạnh tiến độ thực hiện đề án thí điểm xây dựng 26 trạm y tế xã theo mô hình điểm, giống như các nước hiện đại, để người dân tin tưởng và yên tâm về khám chữa bệnh tại y tế cơ sở.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn rằng trong thời gian tới tỉnh cần đẩy mạnh việc nâng cao vai trò, chất lượng của y tế cơ sở để người dân đến khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở nhiều hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến xem sổ ghi chép tại trạm y tế xã Hồng Giang.
Trước đó, trong phiên họp toàn thể lần thứ 9, Ủy ban về các vấn đề xã hội và đại biểu đã nghe tiến độ xây dựng và những nội dung chính, nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; báo cáo thực trạng của tình trạng kinh doanh rượu, bia ở Việt Nam và kiến nghị về hoàn thiện chính sách; báo cáo dự kiến lộ trình tăng thuế rượu, bia ở Việt Nam và góp ý về quy định Quỹ nâng cao sức khỏe trong dự án Luật phòng, chống tác hại rượu, bia; kinh nghiệm của Thái Lan về xây dựng và thực thi pháp luật về lĩnh vực này...
Theo đó, tình hình sản xuất, buôn bán, sử dụng rượu, bia trong cả nước tuy có giảm song vẫn ở mức cao, đứng thứ 29 trên thế giới. Hiện sản lượng rượu năm 2016 tới 305,2 triệu lít; bia tới 4 tỷ lít. Việt Nam là nước có tỷ lệ người uống rượu, bia cao. Đáng chú ý việc sản xuất rượu, bia ở nhiều nơi chưa được kiểm soát chặt chẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ngộ độc thực phẩm…
Tại phiên họp nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng cần sớm ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để tăng cường quản lý cũng như hạn chế tình trạng sản xuất, sử dụng rượu, bia. Có chế tài xử phạt nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm...
Phát biểu tại phiên thảo luận Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: quan trọng nhất đối với con người là sức khỏe, việc sử dụng rượu bia nhiều sẽ dẫn đến nhiều hệ quả như: Tai nạn giao thông(50% tai nạn giao thông là do rượu bia), bạo hành, bạo lực gia đình và xã hội. Mặt khác rượu bia là nguyên nhân gây đến đột quỵ, viêm tụy cấp, ung thư gan ảnh hưởng tinh thần, trí tuệ suy giảm. Đồng chí Bộ trưởng mong muốn Luật phòng chống tác hại rượu bia sớm được ra đời để đảm bảo cho vấn đề an sinh xã hội cũng như sức khỏe của người dân .
Kết luận phiên họp, bà Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho rằng những ý kiến này là cơ sở để Ban soạn thảo bổ sung, điều chỉnh trong dự án Luật bảo đảm khách quan, sát thực tiễn. Đồng chí đề nghị Ban soạn thảo khẩn trương hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất.