Dân Việt

Vốn cho tam nông: Hy vọng những khởi sắc

06/12/2011 20:20 GMT+7
(Dân Việt) - Tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn lần này được nghe từ người đứng đầu Chính phủ, bà con nông dân không thể không nức lòng.

Những phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Nhị về đầu tư khi trả lời phỏng vấn Báo NTNN cũng rất hợp lý, hợp tình. Ở đây, tôi chỉ nói về một số con số để thấy sự cần thiết để đầu tư cho tam nông.

Không phải không có cơ sở khi từ khá lâu rồi cha ông ta đã xếp "Phi nông bất ổn" lên đầu tiên, trước khi nói đến "Phi công bất phú", "Phi thương bất hoạt", "Phi trí bất hưng".

Việt Nam xuất phát từ nông nghiệp đi lên và cho đến năm 2020 mới cơ bản trở thành nước công nghiệp, có nghĩa là Việt Nam vẫn còn là nước nông nghiệp và trong nhiều năm nữa vẫn còn phải coi CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn là trọng điểm số một.

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 mới đạt 20% và đến năm 2020 mới đạt 50% tổng số xã, trong khi để đạt được tiêu chí nông thôn mới, mỗi xã phải có lượng vốn đầu tư tới 170- 180 tỷ đồng.

Mặc dù chênh lệch giá giữa nông, lâm, thủy sản với sản phẩm công nghiệp, sản phẩm dịch vụ, nhưng tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn chiếm trên 20% GDP. Dân số nông thôn còn chiếm 70% dân số cả nước. Lao động đang làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 48,2%; trong khu vực nông thôn chiếm 72,4%.

Việc tăng vốn đầu tư như trên còn vì tỷ trọng vốn đầu tư xã hội cho nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản liên tục giảm và hiện ở mức khá thấp (năm 1999 còn chiếm 14,1%, thì năm 2005 chỉ còn chiếm 7,5%, năm 2010 chỉ còn chiếm 6,2%). Tỷ trọng này thấp chưa bằng một phần ba tỷ trọng về GDP. Đó là tỷ trọng chung trong tổng vốn đầu tư xã hội.

Tỷ trọng này thấp còn được xét trên một số mặt khác. Trong đầu tư cho nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản có một lượng vốn không nhỏ được đầu tư cho việc xây dựng, tu bổ đê biển, đê sông, đành rằng có tác động nhiều hơn đối với nông, lâm nghiệp, thủy sản, nhưng nó còn tác động đến các nhóm ngành khác và đến an sinh chung của xã hội.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài đăng ký còn hiệu lực vào nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tính từ 1988 đến 2010 chỉ chiếm 1,6% là có thể giải thích được, vì lợi nhuận là mục tiêu tối thượng của các nhà đầu tư, trong khi đầu tư vào nông nghiệp thường có tỷ suất lợi nhuận thấp do còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên và do bị những nước phát triển ép giá…

Vốn đầu tư của khu vực nhà nước cho nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản nếu năm 2005 còn đạt 7,2% thì đến năm 2010 chỉ còn 5,9%.

Chính phủ khẳng định, chi ngân sách và trái phiếu Chính phủ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2012 sẽ tăng 28% so với năm 2011, bằng 40,9% tổng chi ngân sách nhà nước. Với sự cam kết này, hy vọng tam nông năm 2012 và những năm tiếp theo sẽ có những bước khởi sắc. Vấn đề là chúng ta biết sử dụng đồng vốn vào việc gì mà thôi?