Dân Việt

Trịnh Xuân Thanh rút tiền từ dự án 7.000 tỷ đồng mua biệt thự ở Tam Đảo

Tuấn Hợp - Mạnh Quân 14/06/2018 07:37 GMT+7
Theo tài liệu của phóng viên, khi còn đương chức Chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo thuộc cấp rút 25 tỷ đồng từ “dự án đắp chiếu” 7.000 tỷ của PVTex để mua biệt phủ hoành tráng trị giá hàng triệu USD tọa lạc trên đỉnh Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Biệt phủ đứng tên Cty Mai Phương của gia đình Thanh.

Rút 25 tỷ đồng mua biệt thự

Tọa lạc trên đỉnh cao nhất của Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là căn biệt thự hoành tráng mà giới bất động sản đánh giá giá trị lên đến vài triệu USD. Vào những ngày trời trong xanh, phóng viên Dân trí từng đứng tại khuôn viên của căn biệt thự này phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy Hà Nội một cách rõ ràng. Người dân nơi đây từng gọi biệt thự này là “toà nhà dầu khí”, có đủ khu vui chơi, bể bơi, rạp chiếu phim, sân thể thao…

Toà biệt thự này trở nên khá bí hiểm khi chủ nhân của nó xuất hiện vào các ngày cuối tuần thì thường có một đoàn xe đi tháp tùng; người lạ đương nhiên không thể tiếp cận. Nhưng có lẽ ít người biết rằng để tậu căn biệt thự hoành tráng này, kẻ đang mang 2 án tù chung thân - Trịnh Xuân Thanh khi còn đương chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã rút 25 tỉ đồng từ dự án xây dựng nhà máy sản xuất xơ sợi Polyesteer (PVTex) có số vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng.

Hiện dự án “khủng” 7.000 tỷ đồng này đang thua lỗ nặng hàng nghìn tỉ đồng, khiến Thủ tướng từng yêu cầu PVTex phải thoái vốn.

Theo tài liệu điều tra của phóng viên, Trịnh Xuân Thanh khi đương chức Chủ tịch HĐQT PVC – công ty làm tổng thầu dự án xây dựng PVTex, đã kí hợp đồng thuê Cty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC - một công ty con của PVC) thực hiện thi công một số hạng mục phụ trợ tại dự án.

Trong quá trình thi công, Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT PVC - KBC đã đề xuất và được PVC tạm ứng số tiền 25 tỷ đồng cho PVC – KBC trái quy định và quy chế của PVC.

Cụ thể, theo tài liệu của phóng viên Dân trí, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo thuộc cấp tạm ứng số tiền 25 tỷ đồng cho PVC – KBC để Đỗ Văn Hồng sử dụng 23,8 tỷ đồng trong số tiền này mua 3.400m đất tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Đứng tên chủ sở hữu là PVC – KBC.

Sau đó Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Đỗ Văn Hồng làm thủ tục để PVC – KBC chuyển nhượng lại mảnh đất này cho Cty Mai Phương của gia đình Thanh với giá 23,8 tỷ đồng, nhưng mới trả 20,8 tỷ đồng, còn 3 tỷ đồng đến nay chưa trả.

Để hợp thức hoá số tiền tạm ứng sai quy định, Thanh cùng Hồng làm thủ tục chuyển số tiền 21/25 tỷ đồng tạm ứng cho PVC – KBC thành tiền PVC góp vốn vào PVC - KBC. Hậu quả hiện nay là PVC không còn khả năng thu hồi vốn.

Dự án ‘khủng” 7.000 tỷ đồng “đắp chiếu”

Theo tài liệu cơ quan chức năng, PVTex được thành lập trên cơ sở thoả thuận hợp tác đầu tư ngày 15.5.2007 về việc xây dựng nhà máy sản xuất xơ sợi Polyesteer giữa tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Biệt Nam (Vinatex). Dự án được thực hiện tại Khu công nghiệp Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.

Năm 2008, Hội đồng quản trị PVTex phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD, tương đương 5.437 tỷ đồng tính theo tỷ giá tại thời điểm đó; 30% số vốn đầu tư này là của chủ sở hữu, còn lại đi vay.

img

Dự án có công suất 500 tấn xơ sợi/ngày và theo tính toán của chủ đầu tư, dự án được nghiệm thu sơ bộ vào tháng 8.2013, đã bàn giao đi vào sản xuất kinh doanh, dự kiến sẽ hoàn vốn toàn bộ sau thời gian 8 năm 8 tháng.

Tuy nhiên, kết quả sản xuất của dự án xơ sợi Đình Vũ từ khi chạy thử cho đến chính thức đều liên tục lỗ. Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả thu lỗ hơn 1.472 tỉ đồng.

Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỷ đồng; năm 2013 lỗ 366 tỷ đồng và năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải đắp chiếu, đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.

Đồng thời báo cáo của PVTex cho biết, tổng mức đầu tư cho dự án từ dự kiến ban đầu khi triển khai trên thực tế đã phải điều chỉnh từ 325 triệu USD lên thành hơn 359 triệu USD (khoảng 7.000 tỷ đồng).

Theo Thanh tra Chính phủ, việc dự án nguyên nhân khiến dự án thua lỗ, không có hiệu quả có những nguyên nhân khách quan là thị trường tiêu thụ khó khăn, biến động giá nhiên liệu, lãi suất ngân hàng cao…

Tuy nhiên, về chủ quan, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ là do PVN và Vinatex là đại diện sở hữu vốn tại PVTex chưa kịp thời xử lý thay đổi phát sinh, còn nhiều thiếu sót và vi phạm trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, dẫn đến chi phí tăng cao. Cụ thể, chi phí đào tạo lên tới 2,2 triệu USD, chi phí lãi vay 5 triệu USD, lỗ do chạy thử sản phẩm không đạt 35 triệu USD.

Theo báo cáo, PVN đang phải gánh chịu toàn bộ khoản công nợ đã vay để thực hiện dự án cũng như khoản lỗ gần 1.500 tỷ đồng của nhà máy.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu PVN phải thoái vốn khỏi PVTex từ 56% xuống 36%. Tuy nhiên những quyết nghị của Bộ Công Thương và các nghị quyết của PVN đã đẩy tỷ lệ vốn PVN tại PVTex tăng từ 56% lên 75% là trái với chỉ đạo của Thủ tướng.

Chưa hết, Thanh tra Chính phủ phát hiện trong quá trình triển khai thực hiện dự án, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí… Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu không tuân thủ quy định của hợp đồng, thay đổi nguồn gốc xuất xứ nhiều thiết bị. Nhiều thiết bị khác sau khi nhập về sử dụng đã bị trục trặc, hỏng hóc cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhà máy thử nghiệm kéo dài, sản phẩm không đạt chất lượng chiếm tỷ lệ cao và nhiều lần đã phải “đắp chiếu”.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.