Dân Việt

Hàng trăm ngàn tấn xăng “bẩn” đe dọa người dùng

06/12/2011 06:36 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm qua (5.12), Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chủ trì cuộc họp giao ban ngành công thương, trong đó tập trung mổ xẻ gian lận, lỗ lãi trong kinh doanh xăng dầu...

Vẫn sản xuất xăng A83

Câu chuyện 11 doanh nghiệp (DN) xăng dầu tại TP.HCM vi phạm về chất lượng xăng dầu mới đây (trộn xăng A83 vào xăng A90, A92 để lừa bán cho người tiêu dùng) đã được ông Huỳnh Khánh Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM thẳng thắn nhận khuyết điểm với Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

img
Quyền lợi của người tiêu dùng đang bị nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu xâm hại (ảnh minh hoạ) .

Ông Hiệp nói: "Chúng tôi đã mời các DN xăng dầu đầu mối, bán lẻ và tổng đại lý để họp kiểm điểm. Sở đã yêu cầu các DN kiểm tra mạng lưới đại lý đảm bảo kinh doanh theo đúng quy định của Nhà nước. Với các vi phạm bị phát hiện, chúng tôi đã thực hiện xử phạt, rút giấy phép kinh doanh 6 tháng".

Bà Đàm Thị Huyền - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cũng khẳng định: Việc người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi hiện nay rất khó bị phát hiện. Chúng ta không cho phép tồn tại xăng A83 với các loại phương tiện giao thông nhưng lại không có sự kiểm tra thường xuyên các đại lý, cửa hàng bán xăng dầu và DN sản xuất loại xăng này.

Sau khi sự việc xảy ra tại TP.HCM, Petrolimex cũng đã kiểm tra các cửa hàng thuộc hệ thống của mình và cũng phát hiện có một đại lý vi phạm. Tuy nhiên, đại lý này cho biết, đã lấy hàng bên ngoài (ngoài xăng dầu của Petrolimex) về bán và xăng bên ngoài là xăng A83.

Điều 139, Bộ luật Hình sự quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…". Với việc xử lý 11 DN xăng dầu gian lận hàng tỷ đồng như vậy rõ ràng vẫn chưa thoả đáng; người tiêu dùng rất hoang mang bởi họ vẫn có thể tiếp tục bị lừa.

Bà Huyền nêu rằng, thống kế số lượng xăng A83 còn lưu hành trên thị trường hiện nay đang bị bỏ ngỏ. Bản thân Petrolimex không kinh doanh xăng này nên cũng không thể nắm rõ để kiểm tra, kiểm soát.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cũng nêu thực tế: Hiện chúng ta có quá nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu. Gian lận xăng dầu xuất phát từ việc một cửa hàng có thể lấy xăng từ nhiều nguồn khác nhau. Ông Tú cũng cho biết, mặc dù Bộ Công Thương đã không cho sản xuất loại xăng A83 nhưng lượng sản xuất xăng này hằng năm vẫn khoảng vài trăm ngàn tấn.

Bộ trưởng Hoàng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị không sản xuất loại xăng A83 này, kiên quyết xử lý vi phạm gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu. Với các vi phạm vừa rồi, Bộ trưởng Hoàng đề nghị TP.HCM tính đến hình thức rút giấy phép kinh doanh.

Tới đây, các Cục Quản lý thị trường sẽ phải phối hợp với Sở Công Thương các địa phương tăng cường kiểm tra. Các DN xăng dầu cũng phải tăng cường quản lý hệ thống đại lý của mình, chấm dứt ngay hiện tượng gian lận thương mại. Hiện chỉ còn SaigonPetro sử dụng khí ngưng tụ connesat của PVN để chưng cất xăng A83.

Bộ trưởng Nguyễn Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Sở Công Thương HCM kiến nghị thành phố chuyển sản phẩm này sang lĩnh vực khác phù hợp, hoặc ngừng sản xuất vì thị trường đã không dùng, nhất quyết không đưa xăng A83 ra thị trường.

"Đây là trách nhiệm của Bộ Công Thương vì Bộ Khoa học công nghệ chỉ xử lý chất lượng, do vậy nếu còn gian lận thương mại kiểu này trong kinh doanh xăng dầu là do lỗi điều hành của chúng ta" - Bộ trưởng nói.

Ép đòi tăng giá

Câu chuyện lỗ lãi trong kinh doanh xăng dầu tại cuộc họp này cũng đã được người đứng đầu ngành công thương phân tích một cách khá thẳng thắn.

Bộ trưởng Hoàng cho biết, việc dư luận thời gian qua có nhiều ý kiến và không ít nghi ngờ về ngành xăng dầu là do "cách thông tin của chúng ta chưa chi tiết và đầy đủ nên người dân chưa hiểu đúng".

Năm 2008, Petrolimex đã bị lỗ kinh doanh xăng dầu rất lớn, nên Chính phủ đã phải cấp trên 10.000 tỷ đồng bù lỗ cho DN này. Năm 2009 có lãi kinh doanh xăng dầu, nhưng sang năm 2010 tiếp tục lỗ, 6 tháng năm 2011 vẫn lỗ. Nhưng khi cổ phần hóa, DN này công bố lãi là do tổng hợp kinh doanh hoạt động 5 lĩnh vực nên lấy lãi lĩnh vực này bù vào lỗ kinh doanh xăng dầu để tính tổng chung là có lãi, còn trong hạch toán vừa công bố lỗ là chỉ tách duy nhất là kinh doanh xăng dầu.

Xăng A83 hay 92 là chỉ số Octan của xăng. Chỉ số này càng lớn thì động cơ xe sẽ hoạt động tốt hơn. Khi dùng xăng có chỉ số Octan thấp, máy xe phát ra tiếng kêu như tiếng kim loại va chạm, nhiên liệu không được sử dụng hết, khói đen dẫn đến máy không "bốc". Bộ Thương mại trước đây (nay là Bộ Công Thương) đã kiến nghị với Thủ tướng "chỉ cho phép lưu hành xăng A92 và A95 trên thị trường trong nước", dứt khoát không lưu thông các loại xăng khác.

Ông Hoàng cũng nêu thực tế, các DN xăng dầu hiện nay còn khó khăn; chi phí kinh doanh xăng dầu, thù lao cho các đại lý, cửa hàng xăng dầu đã không còn phù hợp với thực tế kinh doanh cần phải sửa đổi. Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về vấn đề này nhưng vẫn chưa thay đổi được, nên kinh doanh xăng dầu còn chưa được minh bạch với người tiêu dùng, gây khó khăn cho DN, đây là lỗi của các bộ, ngành.

Bà Đàm Thị Huyền cũng cho biết, hiện tất cả các tổng đại lý đều nói chiết khấu bán hàng thấp quá nên không chịu nổi. Việc Bộ Tài chính "thổi còi" Petrolimex chi phí kinh doanh vượt định mức 516 tỷ đồng, trong đó chiết khấu bán hàng khâu trung gian… là "oan" cho DN, vì chi phí 600 đồng/lít chỉ là con số dùng để tính giá cơ sở để trên cơ sở đó bù lỗ cho DN, để trích quỹ bình ổn... chứ không đơn thuần chỉ là chi phí kinh doanh của DN.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cũng báo động hiện hệ thống xăng dầu cả nước đang hoạt động rất không ổn định, chủ yếu là vấn đề hoa hồng cho đại lý. Các địa phương có nhiều công văn gửi về Bộ, nhưng Bộ chỉ quản lý về nguồn, tham gia về giá nên không thể giải quyết được vấn đề định mức kinh doanh xăng dầu, chi phí hoa hồng mà phải có Bộ Tài chính cùng giải quyết.