Đổi thay ở những vùng khó
Một thời chưa xa, khi nói đến việc đi công tác từ TP.Sơn La vào huyện Sông Mã, ai cũng ngán ngẩm vì những con dốc cao, nguy hiểm như Trẳm Cọ, Sì Lạ… và 27 lần vượt suối lũ mới có thể hoàn thành 105km hành trình.
Nhưng ngày hè này, đến với Sông Mã, dọc tuyến đường kéo dài cả trăm kilômet từ xã Mường Sai tới Mường Lầm đều dễ dàng nhận thấy sự trù phú của nông thôn nơi đây.
Trong xây dựng NTM, bước tư vấn, chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất luôn được tỉnh Sơn La ưu tiên thực hiện để giúp nông dân sớm thu được thành quả lao động cao hơn. Ảnh: MN
"NTM ở Sơn La đang có những bước tiến ngày một nhanh hơn, mạnh hơn và vững chắc hơn nhờ chúng tôi luôn lấy tiêu chí thu nhập của người dân làm nòng cốt” Ông Phạm Anh Hữu - |
Sông Mã là huyện biên giới với nước bạn Lào, có nhiều dân tộc anh em chung sống. Tuy địa hình chủ yếu là núi cao, dốc đứng, sản xuất nông nghiệp khó khăn nhưng Sông Mã lại không được hưởng các chính sách ưu ái huyện nghèo như một số địa bàn khác. Vượt lên khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền và người dân Sông Mã đã đoàn kết, chung tay xây dựng huyện ngày càng vững mạnh.
Nói về bước đột phá trong phát triển kinh tế của Sông Mã mấy thập kỷ gần đây, ông Hoàng Xuân Nghĩ ở bản Pá Công, xã Huổi Một, bảo: “Khi cây nhãn và xoài được tham gia vào danh mục nông sản chủ lực, Sông Mã mới thật sự bứt phá. Trong khoảng chục năm trở lại đây, cùng với sự trợ giúp của Nhà nước, người dân Sông Mã đã vận dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để tạo nên những nông sản có giá trị cao... Sông Mã bây giờ có nhiều triệu phú, tỷ phú nhưng hầu hết đều là tỷ phú từ nông nghiệp. Vì dân no ấm nên Nhà nước hô hào việc gì, bà con đều ủng hộ”.
Không xa trung tâm tỉnh như Sông Mã, xã Chiềng Đen của TP.Sơn La đã có bước tăng trưởng nhanh và mạnh chỉ trong 10 năm trở lại đây.
Ông Cà Văn Liên - Chủ tịch Hội Nông dân xã kể: “Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã Chiềng Đen mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí và là xã khó khăn nhất của TP.Sơn La. Được tỉnh và thành phố quan tâm, cán bộ liên tục bám địa bàn, xây dựng kế hoạch sát thực, đồng thời vận động người dân cùng tham gia. Mọi kế hoạch xây dựng NTM ở đây đều hướng tới mục tiêu giúp bà con cải thiện cuộc sống cả về vật chất và tinh thần. Chính vì thế, về cơ sở hạ tầng, thành phố ưu tiên 2 việc làm trước là đường giao thông và điện lưới an toàn.
Về nông nghiệp, thành phố ưu tiên cải tạo vườn tạp, gắn đổi mới cơ cấu cây trồng với thâm canh kỹ thuật cao, phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nhốt chuồng… Với cách làm đó, chỉ trong 6 năm, thu nhập của người dân đã tăng gấp đôi, lên mức hơn 20 triệu đồng/người/năm. Khi dân no ấm, Nhà nước hô hào gì là dân làm theo. Cuối năm 2017, chúng tôi đã cán đích NTM”.
Coi trọng tiêu chí thu nhập
Ông Phạm Anh Hữu - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Sơn La hồ hởi nói: “NTM ở Sơn La đang có những bước tiến ngày một nhanh hơn, mạnh hơn và vững chắc hơn nhờ chúng tôi luôn lấy tiêu chí thu nhập của người dân làm nòng cốt. Trong hàng trăm đầu việc cần đầu tư ở một xã tham gia xây dựng NTM, chúng tôi luôn tính tới việc nào mang lại thu nhập trực tiếp cho người dân để ưu tiên. Vì thế, lòng dân rất đồng thuận với Nhà nước”.
Ngay như xã Chiềng Đen, chỉ tính 5 năm gần đây, người dân đã hiến trên 10.000m2 đất, hơn 450 triệu đồng để thực hiện cứng hóa 6,1km đường trục xã, 14,3km đường trục bản, 9,5km đường ngõ bản; rải cấp phối gần 1km đường nội đồng với tổng mức đầu tư 19,4 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp trên 6 tỷ đồng.
Hiện, xã có 95,6% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; 99% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 14/14 bản có nhà văn hóa; không còn nhà tạm, nhà dột nát. Thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 28,2 triệu đồng/người/năm.
“Chủ nhân mới của NTM là phải ấm no, hạnh phúc !” - ông Hữu khẳng định.