Theo Thông tư 17/2018 quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 1.7, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, trại giam, công an cấp tỉnh, công an quận, huyện, thị xã... được xem xét trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ như: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng cá nhân...
Công an xã, phường, thị trấn được xem xét để trang bị súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, hơi cay, dùi cui điện, bình xịt hơi cay...
Vũ khí quân dụng trang bị cho công an, bộ đội từ ngày 1.7
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc tăng cường các loại vũ khí cho các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an là cần thiết.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, trang bị tên lửa chống tăng cá nhân, đặc biệt là trực thăng vũ trang cho công an cấp quận, huyện, thị xã là điều khó khả thi.
Bởi vì, trang bị trực thăng ngoài kinh phí cao còn phải mất thời gian đào tạo đội ngũ quản lý, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng... vì vậy cần sự tính toán làm sao đem lại hiệu quả cao nhất.
Vị luật sư này cho rằng trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn cùng điều kiện hạ tầng hiện nay, trước mắt nếu có yêu cầu sẽ đề nghị quân đội hỗ trợ. “Nếu đầu tư máy bay trực thăng nên để đến năm 2025 – 2030 hãy bàn đến và cũng phải xem xét tình hình kinh tế - xã hội cụ thể lúc đó mới quyết định có mua sắm hay không”, luật sư Hòe nói.
Đồng quan điểm với luật sư Trương Quốc Hòe, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, việc trang bị máy bay trực thăng cho công an cấp huyện, thị xã là không cần thiết, và không khả thi bởi điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay chưa đáp ứng được.
Vị luật sư này nhẩm tính, giá trung bình một trực thăng vũ trang vào khoảng trên dưới 30 triệu USD, trong khi chúng ta có tổng cộng 713 đơn vị cấp huyện. Như vậy, muốn trang bị đủ sẽ mất khoảng 20 tỷ USD, bảo dưỡng mỗi năm cũng phải mất cả tỷ đô.
“Chưa kể một cái trực thăng ít nhất có 5 - 10 người phục vụ, bao gồm lái chính, lái phụ. Như vậy, sẽ có thêm cả vạn biên chế, ngân sách nào gánh nỗi. Ví dụ chỉ trang bị máy bay cho một đơn vị, tôi thấy cũng không khả thi”, luật sư Tú phân tích.
Luật sư Trương Quốc Hòe
Nói thêm về việc lực lượng công an xã cũng được xem xét trang bị súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, hơi cay, dùi cui điện, bình xịt hơi cay, luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng, không thể phủ nhận lực lượng này đang có những đóng góp rất lớn trong việc bảo đảm an ninh trật tự ở các địa phương.
Tuy nhiên, vị luật sư này vẫn tỏ ra băn khoăn vì công an xã hiện chưa phải là lực lượng chính quy nên nhiều người lo lắng về tình trạng lạm dụng vũ khí quân dụng tùy tiện, mất kiểm soát, gây hậu quả đáng tiếc. Thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc.
“Hiện nay, công xã được trang bị công cụ hỗ trợ là súng bắn đạn cao su, hơi cay cũng đã bảo đảm cho công việc. Việc trang bị súng quân dụng cho công an xã mà sử dụng không đúng mục đích thì rất nguy hiểm, cần phải cân nhắc. Thực tế, trụ sở các công an xã cũng chưa bảo đảm, nếu trang bị vũ khí quân dụng thì khó khăn cho việc bảo quản”, luật sư Hòe nêu quan điểm.
Trước đó, như đã đưa tin, Thông tư quy định Bộ trưởng Công an quyết định trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ... trong toàn lực lượng. Khi có tình huống khẩn cấp hoặc có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp, Bộ trưởng có quyền quyết định điều chuyển vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ từ công an đơn vị, địa phương này sang công an đơn vị, địa phương khác trên phạm vi toàn quốc...
Ngoài công an, lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; ngân hàng; bệnh viện; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất... sẽ được xem xét trang bị loại công cụ hỗ trợ thuộc các loại sau: súng bắn điện, súng bắn đạn nổ, phương tiện xịt hơi cay, dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao...Ban bảo vệ dân phố được xem xét trang bị loại công cụ hỗ trợ thuộc các loại sau: dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp, găng tay bắt dao...