Nông Cống là huyện thuần nông, nhưng ít nghề phụ nên có nhiều lao động dư thừa. Để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho ND, chính quyền huyện đã xây dựng chính sách kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài huyện về đào tạo nghề cho ND.
Lớp học nghề làm đèn lồng xuất khẩu ở xã Tế Tân . |
Đi học vẫn có tiền
Chúng tôi đến thăm lớp học nghề mây tre đan ở xã Tế Tân, nghe bà con kể chuyện đi học nghề, ai cũng mừng. Bởi lẽ, người đi học không phải đóng tiền mà còn được “lĩnh lương” nữa. Bà Lê Thị Huyền (phụ trách lớp học), cho biết: Lớp có 33 người, chủ yếu là phụ nữ đến học trong 2 tháng. Người học chỉ phải bỏ công, còn nguyên vật liệu do doanh nghiệp cung cấp.
“Đến lớp học, mỗi người được công ty hỗ trợ 3.000 đồng, UBND xã hỗ trợ 7.000 đồng, cộng 13.000 đồng tiền công cho mỗi sản phẩm hoàn chỉnh. Như vậy, mỗi sản phẩm học viên làm ra sẽ được 23.000 đồng. Để có thể làm ra sản phẩm, học viên chỉ cần chăm chỉ, tiếp thu trong vài ngày là làm được. Hết thời gian 2 tháng ấy là giáo viên không phải kèm cặp nữa” - bà Huyền cho hay.
Ông Lê Hồng Đỉnh – Chủ tịch UBND xã cho biết, chủ trương mở lớp dạy nghề mới cho ND được thực hiện theo tinh thần của huyện. “Sau khi lớp học nghề mây tre đan kết thúc, chúng tôi sẽ nhân cấy nghề này rộng ra toàn xã cho bà con ND có việc làm, tăng thêm thu nhập. Nghề mây tre đan dễ nhân cấy hơn các nghề khác, anh chị em, vợ chồng trong nhà đều có thể dạy cho nhau”.
Không thiếu việc làm
Về xã Trường Minh, chúng tôi gặp nhiều người dân chở đèn lồng được đan bằng tre về nhập cho cơ sở thu mua của gia đình chị Nguyễn Thị Nga, ở thôn Đổi.
Ông Lê Ngọc Thắng – Phó phòng Công Thương huyện, cho biết: Cơ sở của nhà chị Nga là đầu mối thu mua sản phẩm mây tre đan xuất khẩu của bà con trong xã, do Công ty TNHH Quốc Đại ở xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đặt hàng.
Hỏi về cách thức thu mua sản phẩm, cũng như tạo công ăn việc làm cho ND ở đây, chị Nga cho biết: Từ năm 2010, UBND xã giao cho chị Nga mở lớp dạy nghề mây tre đan cho bà con trong xã. Khi người dân đã học thành thạo nghề, thì đến cơ sở này nhận nguyên vật liệu do doanh nghiệp cung cấp rồi đem về nhà tự làm, sau đó đưa sản phẩm đến nhập. Hàng ngày, công ty có xe về tận nơi nhận hàng, ND chỉ làm công tại nhà, rồi đến cuối tháng nhận lương.
Nông dân Lê Thị Huyền
Theo cách tính của chị Nga và những người đan chậu hoa, chao đèn lồng xuất khẩu cho biết, bình quân mỗi người làm một ngày sẽ có thu nhập trên dưới 40.000 đồng. “Nếu gia đình có hai, ba người làm, mỗi tháng sẽ có thu nhập khoảng gần 3 triệu đồng”- chị Nga cho hay.
Ông Trần Văn Thuấn – Chủ tịch UBND huyện cho biết: Điều thuận lợi cho người ND làm nghề tiểu thủ công nghiệp là có thể tranh thủ lúc nông nhàn, không bị áp lực về thời gian và dễ dàng nhân cấy nghề. Hiện nay, nhiều xã trên địa bàn huyện, nhờ có các nghề mới mà nhiều gia đình đã có thu nhập đôi, ba triệu đồng/tháng.
“Một số nghề mới về Nông Cống tuy chưa lâu, giá trị ngày công chưa cao, nhưng đã giúp người ND không thiếu việc làm. Đến thời điểm này, huyện đã có 19/33 xã có làng nghề, bao gồm cả nghề mới và nghề truyền thống… với hơn 6.000 lao động tham gia”- ông Thuấn nói.
Thế Lượng