Dân Việt

Kỳ họp Quốc hội và những điều “đặc biệt” rất được dư luận chú ý

PV 16/06/2018 17:52 GMT+7
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã kết thúc (bế mạc sáng 15.6) sau 21 ngày làm việc. Dân Việt tổng hợp những vấn đề diễn ra trong kỳ họp được dư luận xã hội quan tâm.

img

Chủ tịch Quốc hội kêu gọi người bình tĩnh, tin vào quyết định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các dự án Luật Quốc hội đang thảo luận (ảnh VNE).

1. Lùi thời gian thông qua dự án Luật về đặc khu

Theo chương trình kỳ họp thứ 5 được Quốc hội thông qua trước phiên khai mạc, dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ được thông qua tại kỳ họp này. Dự án Luật này đã được kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV cho ý kiến lần đầu, sau đó còn có những hội nghị khác để góp ý cho dự án Luật. Tuy nhiên gần sát thời điểm dự kiến thông qua, do có nhiều ý kiến khác nhau nên Quốc hội đã quyết định lùi thời hạn thông qua dự án Luật từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) để có thời gian tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân.

Ban soạn thảo cũng bỏ quy định về ưu đãi cho thuê đất 99 năm, thay vào đó thời hạn thuê đất sẽ theo quy định của Luật đất đai hiện hành (thời gian thuê dài nhất là 70 năm –PV).

Liên quan đến dự án Luật này, tại một số địa phương xảy ra tình trạng người dân tụ tập đông người. Có những đối tượng quá khích viện cớ phản đối dự án Luật để kích động người dân gây mất trật tự an ninh. Đỉnh điểm là tại Bình Thuận, đám đông đã phá cổng trụ sở UBND tỉnh, đốt phá hủy hoại tài sản của một số cơ quan. Lực lượng chức năng đã phải tăng cường mới giải quyết, ổn định tình hình.

img

Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng với tỷ lệ tán thành cao (ảnh quochoi.vn).

2. Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng

Ngày 12.6, Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng với tỷ lệ tán thành rất cao (86,86%), chỉ có 15 đại biểu tương đương 3,08% không tán thànhvà 28 đại biểu không biểu quyết chiếm 5,75%.

Đây là đạo Luật cũng có những ý kiến khác nhau trên diễn đàn mạng xã hội. Nhiều ý kiến lo ngại Luật này sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, tại buổi họp báo sau kỳ họp Quốc hội, đại diện cơ quan thẩm tra và trên phương tiện thông tin đại chúng, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Luật đều khẳng định những lo ngại trên là không đúng. Luật ra đời là tạo hành lang pháp lý để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn trước Quốc hội (ảnh quochoi.vn).

3. Phiên chất vấn đổi mới: Hỏi nhanh –đáp gọn

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện hình thức chất vấn mới, hỏi nhanh – đáp gọn (hỏi 1 phút, trả lời 3 phút, mỗi lượt 3 đại biểu hỏi). Xen kẽ phần hỏi đáp là phần các đại biểu giơ biển tranh luận (tranh luận với Bộ trưởng, tranh luận cả với đại biểu đặt câu hỏi) khiến phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi.

Trao đổi với Dân Việt, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, với hình thức mới này sẽ thuận lợi hơn cho cả người chất vấn và người trả lời chất vấn, tránh việc hỏi nhưng không đi thẳng vào vấn đề, đồng thời tránh việc trả lời vòng vo, không đi vào trọng tâm vấn đề. Với cách làm mới, số lượng người được hỏi sẽ tăng thêm rất nhiều so với cách làm trước đây.

Theo Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, tại phiên chất vấn đã ghi nhận những con số kỷ lục, có trên 400 đại biểu đăng ký, số đại biểu hỏi được trả lời cũng lớn nhất khoảng 260 đại biểu.

img

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu vụ án bác sĩ Lương ra diễn đàn Quốc hội (ảnh quochoi.vn).

4. Nhiều đại biểu nêu ý kiến về phiên tòa xử bác sĩ Lương

Có thể nói lần đầu tiên trong hoạt động tố tụng một vụ án đang được Tòa xét xử nhận được nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm của các đại biểu Quốc hội, đặc biệt những đại biểu liên quan đến ngành Y. Đó là phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương tại Hòa Bình, trong vụ án chạy thận nhân tạo làm 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm qua trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội theo hướng đề nghị Tòa xem xét cẩn trọng, tránh làm oan cho bác sĩ Lương. Đến phiên Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nêu vụ án này và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cần lên tiếng. Ngay sau đó, 3 đại biểu đã tranh luận xung quanh vụ án bác sĩ Lương. Biển tranh luận vẫn tiếp tục giơ lên, tuy nhiên Đoàn Chủ tịch đã cắt nội dung tranh luận này vì phiên tòa đang được xét xử.

Vụ án này sau đó đã được Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

img

Lần đầu tiên Quốc hội có nghị quyết riêng về kỳ họp (ảnh quochoi.vn).

5. Kỳ họp có thời gian ngắn

Nếu so với các kỳ họp Quốc hội gần đây thì kỳ họp thứ 5 có thời gian ngắn nhất (21 ngày, không tính kỳ họp làm công tác nhân sự như kỳ họp thứ 11 khóa XIII và kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV).

Tại kỳ họp này Quốc hội đã thông qua 7 Luật, cho ý kiến vào 9 dự án Luật. Biểu quyết thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng. Theo Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, lần đầu tiên Quốc hội có Nghị quyết riêng về kỳ họp.

img

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng tên gọi trạm thu giá BOT là tối nghĩa, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp thu để sửa lại tên gọi cho đúng (ảnh quochoi.vn)

6. Phản ứng việc đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá

Trong kỳ họp Quốc hội, việc Bộ Giao thông Vận tải chuyển tên gọi trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT, đã có nhiều ý kiến phản đối của các đại biểu Quốc hội, của người dân.

Ngay trước phần bước vào trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có nhắc lại việc đổi tên trạm thu phí. Ngay lập tức Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có ý kiến. Chủ tịch Quốc hội nói, việc đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí không cần phải trình, cứ trở về tên gọi cũ là được.