Đấu võ không phải vì tiền
Võ sư Phi Long vốn là con nhà nòi của dòng họ võ thuật nức tiếng đất võ Bình Định, tên thật là Trần Quốc Long (74 tuổi, trú xã Tây Giang, huyện Tây Sơn), ông từng gắn với biệt danh “độc cô cầu bại”.
Đam mê và bộc lộ rõ khả năng rất sớm, cha ông còn bỏ tiền để mướn rất nhiều thầy giỏi về nhà. Võ nghiệp của võ sư Phi Long bắt nguồn từ võ đường của võ sư Lý Xuân Tạo ở thị xã An Nhơn. Liên tục đánh thắng, ông Long được võ sư Tạo trả công cho mỗi trận đấu rất cao, từ 70.000- 75.000 đồng/trận (thời điểm này, chiếc Honda 67 chỉ có giá khoảng 37.000 đồng).
Võ sư Phi Long vốn có niềm đam mê võ từ nhỏ
Đấu cho võ đường Lý Xuân Tạo, tên tuổi của ông Long nổi tiếng khắp Tây Nguyên. Năm 1968, võ sư Phi Long có 1 trận đấu đáng nhớ, trong trận này, không chỉ đấu võ mà còn đấu với… lựu đạn. Tại trận thượng đại với một võ sĩ tên Trần Lâm, đến hiệp đấu thứ 2, ông Long hạ nốc ao Trần Lâm. Khi ông Long vừa bước xuống đài thì có người cầm 2 viên gạch chạy đến tấn công tới tấp. Nhanh chân tháo chạy ra ngoài, lúc đó có 4 quả lựu đạn được ném ra, ông Long may mắn thoát nạn.
“Tôi thi đấu không phải vì tiền, vì cái danh mà muốn kiểm tra trình độ võ thuật của mình đến đâu. Tôi lưu lạc khắp các tỉnh, thành ở miền Nam, mỗi khi nghe tổ chức đấu đài thì đến, gọi tên ngay người nổi tiếng nhất mà thách đấu. Nhờ sàn đấu, tôi trui rèn kỹ thuật đánh đài của mình, thoát ra rất nhiều so với các bài quyền cổ truyền”, ông Long cho hay.
Suýt mất mạng vì đòn bẩn
Nghe võ sư Lưu Lẽ nổi danh ở An Khê (tỉnh Gia Lai), đã hạ nhiều võ sĩ tên tuổi nên võ sư Phi Long tìm đến thách đấu.
“Võ sư Lưu Lẽ lúc đó đã thành danh, lớn tuổi hơn tôi, thời gian thượng đài nhiều hơn nên khi nhận lời thách đấu của tôi thì tỏ vẻ coi thường, thậm chí còn tự ái. Tức khí, tôi tuyên bố sẽ hạ đo ván ông Lẽ trong hiệp đấu thứ 2 (mỗi trận có 3 hiệp). Hai bên ký giao kèo sinh tử, trận thượng đài diễn ra nhân dịp lễ khánh thành nhà hát Quang Trung (ở An Khê). Sau hiệp đầu thăm dò đối phương, tôi đã đánh nốc ao võ sư Lưu Lẽ trong hiệp đấu thư 2”, ông Long kể.
Thời trẻ võ sư Phi Long được rất nhiều cô gái có sắc đẹp theo đuổi
Thời gian sau, võ sư Phi Long có quen một cô gái xinh đẹp, làm nghề thợ may tên Hường ở gần cầu Cây Trâm (TX. An Khê). Một đêm, khi ông Long từ nhà bà Hường đi ra thì bị thầy trò Lưu Lẽ phục kích, cầm gậy chặn đánh. Ông Long ngã xuống đường vẫn tiếp tục bị đá, bị ăn gậy vào người. Rất may, nhờ người hỗ trợ ông Long thoát chết nhưng mình mẩy bầm dập, chân trái bị gãy phải điều trị rất lâu. Mãi 5 năm sau, võ sư Lưu Lẽ mới nhờ người đánh tiếng xin lỗi võ sư Phi Long nhưng nhiều năm sau đó, hai người mới giải hòa, xóa hết mọi thù hận.
Võ sư Phi Long kể, trong cuộc đời mình, người mà ông hận nhất là võ sĩ Diệp Minh Lai, người gốc Tàu. Trong trận thượng đài tại Trường hát Sùng Nhơn (ở Quy Nhơn), ông Long hạ Diệp Minh Lai đo ván. Sau đó, Diệp Minh Lai tìm cách kết thân cùng ông Long, nghĩ đồng nghiệp có thiện chí học hỏi nên ông chẳng chút rè chừng mà cứ thân thiết. Thế nhưng, vào một đêm, Diệp Minh Lai dẫn ông Long đi nhậu khiến ông say bí tỉ rồi gọi đàn em chở đến chỗ vắng, đánh bất tỉnh. Tưởng ông Long đã chết, họ chở đến bãi rác ở ngoại ô thành phố để vứt xác. Ông Long nằm bất động đến gần sáng mới tỉnh dậy, toàn thân ê ẩm, cổ họng phát không ra tiếng.
Rất may, nhờ có chút kiến thức về đông y, ông Long bẻ đọt dứa ven suối ăn để phục hồi sức khỏe rồi lê về nhà một học trò gần đó. Lòng đầy uất hận, ông tự kê đơn, bí mật dưỡng thương. Sau khi bình phục, ông lùng sục tìm kiếm Diệp Minh Lai khắp nơi. Nhận được tin, Diệp Minh Lai ngồi ở một quán cà phê, ông Long phi đến ngay. Khi thấy bóng ông Long bước vào, Diệp Minh Lai và nhóm đàn em liên tục dùng dao chém tới tấp rồi nhanh chóng tẩu thoát. Nhờ võ nghệ cao cường, ông Long né được các đòn hiểm ác, hiện trường để lại chỉ là 17 vết chém trên bờ tường. Sau trận đó, Diệp Minh Lai bỏ đi biệt xứ.
Đã sang tuổi 74, giờ đây võ sư Phi Long vẫn hay hội ngộ với các đồng môn để bàn về võ thuật
Biết Diệp Minh Lai chuyên hành nghề bán cần sa cho lính Mỹ đóng ở miền Nam, ông Long lặn lội khắp những nơi có trại lính Mỹ, từ miền Trung cho đến miền Nam, Tây Nguyên... để tìm. Cuối cùng, ông Long nghe được thông tin Diệp Minh Lai đang lẩn tránh ở Khánh Hòa. Sau một thời gian cho đệ tử theo dõi, ông Long biết được Diệp Minh Lai có thói quen mỗi ngày đều đến một quán cà phê vào thời điểm cố định, ngồi một mình trên gác.
Một hôm, ông Long đến trước, ngồi chờ cho đến khi nghe bước chân Diệp Minh Lai lên cầu thang thì nhảy ra, tung cú đá cực mạnh khiến ông Lai lăn xuống đất, nằm bất động. Sau đó, Diệp Minh Lai cúi đầu xin tha mạng, ông Long mới dừng lại rồi bỏ đi.
“Thời trẻ, khi gặp kẻ chơi quân tử thì tôi chơi quân tử hơn họ nhưng nếu gặp tiểu nhân thì tôi khẳng định mình sẽ tiểu nhân hơn. Đối với Diệp Minh Lai thì tôi hận, cách sống đầy âm mưu đó không giống người học võ, chẳng có tinh thần thượng võ gì cả”, ông Long nói.
Còn nữa…