Ngày Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là ngày giết sâu bọ) là phong tục lâu đời của người dân Việt Nam, có ý nghĩa bài trừ bệnh tật trong tiết trời giao mùa nóng nực, nhiều dịch bệnh sinh sôi. Theo quan niệm của dân gian, đây chính là thời điểm sâu bọ phát triển mạnh mẽ nhất. Diệt sâu bọ bằng các món ăn dân giã chính là cách “giải trừ” bệnh tật có nguy cơ xuất hiện trong cơ thể mỗi người, giúp cân bằng năng lượng, âm dương, khí huyết trong mỗi người.
Pẻng dứt (bánh tro) là món bánh không thể thiếu trong ngày giết sâu bọ của người Nùng.
Người Nùng ở Lạng Sơn cứ vào dịp này, nhà nhà tự tay làm các loại bánh như: bánh tro (tiếng Tày gọi là pẻng dứt) bánh chưng (pẻng ngèm), có gia đình thì làm bún thịt gà, vịt và thường ăn vào buổi trưa.
Ngay từ sáng sớm 18.6 (tức 5.5 âm lịch) trên các ngã đường, mọi người náo nức đi chợ. Người bán, kẻ mua tấp nập, đông vui nhất là khu bán gà, vịt và các bánh trái đặc sản ở Lạng Sơn như: bánh ngải, bánh tro. Cũng từ sáng sớm, gia chủ đã tất bật với công việc xếp bánh trái để dâng lên bàn thờ gia tiên. Trên bàn thờ không thể thiếu món bánh tro đặc biệt do các bà các mẹ tự tay làm.
Bánh được đun trên bếp củi khoảng từ 4-5 tiếng.
Bà Triệu Thị Mọn (81 tuổi) cho biết: “Không biết phong tục này bắt nguồn từ đâu, từ thời cha sinh mẹ đẻ người dân tộc ở đây đã ăn Tết này rồi. Năm nào ngày này tôi cũng tự gói bánh tro và bánh chưng để cúng tổ tiên. Bánh tro là loại bánh đặc trưng phải có trong dịp này. Bánh được làm bằng loại gạo nếp thơm ngon nhất, sau đó được vo sạch và ngâm 5-6 giờ trong nước tro chắt từ tro cây đỗ tương. Với loại nước tro này, bánh sẽ có màu vàng đẹp mắt, mềm dẻo và thơm nức”.
“Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 13 giờ chiều và ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa” - bà Mọn cho biết.
Từ sáng sớm nhiều người đã tất bật mua lá về đun nước tắm. Các bà người Nùng còng vai gánh những bó lá đi dọc khắp con ngõ.
Tiếng kẽo cà, kẽo kẹt từ những chiếc đòn gánh của các bà xuống phố bán lá thơm vang khắp xóm.
“Tết giết sâu bọ” là cái tết sum họp có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân. Do đó, con cháu dù có đi làm ăn xa xôi cũng thu xếp về để sum họp cùng gia đình. Tết Đoan Ngọ là ngày người dân cúng lễ đánh dấu một mốc chuyển giao thời tiết mới và cúng lễ để cầu an, mong muốn mùa màng luôn tươi tốt và bội thu.