Theo những thông tin mà tôi nắm bắt được thì có thể thấy rằng 11 doanh nghiệp xăng dầu tại TP.HCM đã có hành vi gian dối với khách hàng, bán cho khách hàng mặt hàng xăng A83, trong khi lại ghi là xăng A92. Như vậy rõ ràng là có sự gian dối, hậu quả ở đây cũng đã có là thiệt hại của khách hàng. Theo đó, các doanh nghiệp đã phạm vào hành vi lừa dối khách hàng theo Điều 162 Bộ luật Hình sự.
Tôi cho rằng cơ quan công an cần vào cuộc điều tra và cẩn phải khởi tố vụ án. Sau đó, nếu xác định được trách nhiệm, hành vi, thủ đoạn cố tình lừa dối khách hàng của một số cá nhân thì có thể khởi tố bị can hoặc kiến nghị cơ quan chức năng xử lý thích đáng...
Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Hà Nội)
Đây rõ ràng là hành vi lừa đảo, không hiểu sao chỉ xử phạt hành chính? Xử lý như vậy không thể hết được tình trạng này, chỉ có người dân là "lãnh đủ" mà thôi. Phải truy tố các doanh nghiệp đó về hành vi lừa đảo, gian lận thương mại... thì mới có thể hết được. Đề nghị các cơ quan chức năng đóng cửa và xử lý nghiêm các doanh nghiệp làm ăn gian dối, không để dân nghèo bị móc túi mãi như vậy.
Nguyễn Thị Nhân (Giồng Trôm, Bến Tre)
Theo tôi, việc gian lận là cố ý và có tổ chức khi xảy ra trong một doanh nghiệp đầy đủ các ban bệ, bộ phận. Như thế chẳng khác nào móc túi, ăn cắp của người tiêu dùng. Mà theo Bộ luật Hình sự, người ăn cắp số tiền, hàng hóa trị giá từ 2 triệu đồng trở lên là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Gần như năm nào báo chí cũng thông tin thực trạng nhức nhối, mổ xẻ những bất cập, những lỗ hổng trong quản lý kinh doanh xăng dầu, nhưng xem ra mọi sự chậm tiến triển đâu vẫn vào đấy.
Ngọc Nam (Trường Tiểu học Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh)