Ngày 16.6, nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên khai mạc triển lãm ảnh khỏa thân đầu tiên trong sự nghiệp cầm máy của mình mang tên “Miền cổ tích” tại Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh (122 Sương Nguyệt Ánh, quận 1).
Tác phẩm “Thác vắng” trưng bày tại triển lãm “Miền cổ tích” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên
Kéo dài đến ngày 20.6, triển lãm trưng bày 26 bức ảnh được trích ra từ 95 bức trong tập sách ảnh cùng tên mà Thái Phiên ra mắt hồi tháng 4. Đây là con số đánh dấu 26 năm anh gắn bó với loại hình nhiếp ảnh vốn vấp phải nhiều định kiến và bị coi là nhạy cảm này.
Triển lãm lần này không phải do Thái Phiên tổ chức cũng như xin giấy phép. Tất cả đều nhờ công của Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh. Thái Phiên tâm sự, trước đây, ba lần anh cắp cặp đi xin giấy phép là ba lần bị từ chối thẳng thừng hoặc gặp vô số khó khăn. Không chỉ riêng anh mà nhiều đồng nghiệp khác cũng vấp phải rào cản.
Năm 2013, nhiếp ảnh gia Lê Quang Châu bị Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm từ chối cấp phép 19/47 bức với lý do còn nhiều bức chưa cung cấp đủ văn bản đồng ý công bố của người mẫu.
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên cho hay: “Thế giới đã quá quen thuộc với thể loại ảnh này nên triển lãm ảnh khỏa thân là bình thường. Nhưng ở Việt Nam nó còn khá mới mẻ. Do vậy, nghệ sĩ chụp ảnh khỏa thân giống như nghệ sĩ xiếc đi trên dây. Đi làm sao mà phải giữ thăng bằng giữa hai bên ranh giới để đừng có té”.
Quá chán nản cộng với lòng tự trọng nghề nghiệp, Thái Phiên tuyên bố từ nay sẽ không bao giờ đi xin giấy phép nữa.
Ảnh giàu tính nghệ thuật thì không sợ bị cấm Ông Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, ông đồng ý với sự kiểm duyệt nghiêm khắc của cơ quan chức năng. “Họ không cấm ảnh khỏa thân. Chỉ là tác phẩm nào tốt thì hãy cho ra đời và xuất hiện trước công chúng, còn tác phẩm nào chưa đủ tầm thì hãy để tác giả đó làm tốt hơn. Trước đây, ba lần Thái Phiên bị từ chối cấp phép không phải vì tác phẩm của anh không đủ tầm, không phải cơ quan quản lý gây khó dễ mà do tùy thời điểm, xã hội sẽ có những nhận thức khác nhau. Thời điểm anh Thái Phiên xin triển lãm cách đây 10 năm rồi, lúc đó nhận thức của công chúng còn khắt khe. Giờ thì ảnh Thái Phiên được cấp phép vì xã hội đã cởi mở hơn. Nhưng trước sự cởi mở này, tôi không trông đợi sự táo bạo của các bức ảnh khỏa thân sẽ ra mắt sau này. Tôi trông đợi những bức ảnh phục vụ công chúng, nói được với người xem thông điệp ý nghĩa, chứng tỏ được tài năng nghệ sĩ. Bất kỳ tác phẩm nào đạt được tính nghệ thuật thì công chúng sẽ chấp nhận, cơ quan quản lý sẽ cấp phép thôi”, ông Thăng bộc bạch. |
Thế nhưng, từ sự kiện nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên được cấp phép cho triển lãm “Tạo tác” hồi tháng 9 năm ngoái, giới nhiếp ảnh nude mừng hơn bắt được vàng vì họ biết chắc thời gian tới, con đường cho nghệ thuật này sẽ rộng cửa. Quả vậy, mọi khâu cho triển lãm “Miền cổ tích” đều thuận buồm xuôi gió.
Nghệ sĩ Hoàng Thạch Vân, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh cho hay, nhờ sự thẩm định chuyên môn kỹ càng của Hội cộng với tiền lệ của “Tạo tác” nên Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh sẵn sàng cấp phép cho “Miền cổ tích”.
So với “Tạo tác”, tác phẩm của Thái Phiên “nặng đô” hơn rất nhiều. Hạo Nhiên giấu mặt người mẫu và hầu như khai thác đường nét mờ ảo của bờ eo, đôi tay, bàn chân, bờ vai... như vẽ bằng ánh sáng chứ không phô bày thân thể nhiều như ảnh Thái Phiên.
Song, tác phẩm của Thái Phiên có ngôn ngữ nghệ thuật riêng. Nó không đơn thuần khắc họa nét thanh xuân của người phụ nữ mà ở đó gửi gắm tâm trạng, thông điệp, những ước mơ, chờ đợi... khiến người xem phải suy ngẫm. Phần lớn trong số đó đã gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế.
Tín hiệu vui liên tiếp đến với giới nghệ thuật nude khi tháng 7 tới, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng sẽ tổ chức triển lãm ảnh nude cho nghệ sĩ trên toàn quốc.
Triển lãm diễn ra tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội. Việc ảnh nude lần lượt được cơ quan quản lý cấp phép triển lãm, thậm chí chính cơ quan quản lý đứng ra tổ chức là một bước tiến quan trọng trong hành trình thay đổi định kiến của xã hội về loại hình nghệ thuật này và khẳng định chỗ đứng vững chắc của nó trong làng nhiếp ảnh Việt Nam.
Trước đây, lý do chính khiến cơ quan quản lý ngại cấp phép là bởi họ sợ công chúng không đủ trình độ để cảm thụ đâu là nghệ thuật, đâu là dung tục.
Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định cho rằng nếu càng cấm, càng giấu nghệ thuật nude trong bóng tối thì công chúng càng mù mờ.
“Muốn thấy cái xấu thì phải chứng minh được cái đẹp cho cộng đồng, cho họ nhìn vào đó mà rút ra tiêu chí so sánh để biết đâu là nude (tác phẩm nghệ thuật khỏa thân), đâu là naked (trần trụi, dung tục), nhất là trong thời đại các giá trị thật giả lẫn lộn như hiện nay. Đừng trách người dân không hiểu biết vì họ đâu có một chuẩn mực hay sự phân tích chuyên môn nào để nhận biết. Vậy nên cởi trói cho nghệ thuật nude là việc làm cấp bách” – anh phân tích.