Dân Việt

Hà Nội: Thành phố hiện đại "nhất Đông Nam Á" 4 tỷ USD có gì đặc biệt?

Hoàng Thành 18/06/2018 14:09 GMT+7
“Điểm đặc biệt của TP thông minh sẽ là đô thị cực kỳ hiện đại, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Sử dụng điện mặt trời, nước uống tại vòi… Dự kiến dự án sẽ khởi công vào tháng 10.2018, hoàn thành giai đoạn 1 năm 2020 và cả dự án vào năm 2028” 

UBND TP.Hà Nội vừa trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 17 tỷ USD tương đương gần 400.000 tỷ đồng tại “Hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển" ngày 17.6

Đáng chú ý, một trong những dự án được trao quyết định đầu tư sẽ đem lại cho Hà Nội một “thành phố thông minh” có trị giá 4 tỷ USD tại huyện Đông Anh dự kiến được triển khai vào tháng 10.2018 sau khi giải phóng mặt bằng nhận được nhiều sự quan tâm của báo chí và dư luận.

img

Phối cảnh dự án thành phố thông minh

Theo tìm hiểu của PV, TP thông minh tại Hà Nội là dự án liên danh của Tập đoàn BRG của Việt Nam và Tập đoàn Sumitomo. Công ty Kiến trúc Nikken Sekkei của Nhật thực hiện thiết kế TP trên 310 ha tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội.

Dự án có tổng mức đầu tư là 4.138 tỷ USD (94.349 tỷ đồng) gồm 5 giai đoạn, 5 mô hình liên doanh để phát triển từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1, liên danh Sumimoto-BRG sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD trên diện tích 73,11ha. Trong giai đoạn này hạ tầng sẽ được đầu tư đồng bộ, kết nối cho cả dự án. 

TP thông minh này sẽ có lõi chính là ga của tuyến đường sắt số 2, xuất phát từ phố Trần Hưng Đạo; 7.000 căn hộ và cơ sở thương mại sẽ được hoàn thành. Các căn hộ hướng tới đối tượng khách hàng thu nhập trung bình. Liên danh Sumimoto - BRG sẽ đầu tư trên 1 tỷ USD.

Tập đoàn BRG cũng là chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho toàn bộ diện tích 2.080ha hai bên trục tuyến đường Võ Nguyên Giáp từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, lý do BRG lựa chọn dự án là vì niềm đam mê với quy hoạch, xin làm quy hoạch để cống hiến.

img

Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG

Bà Nga cũng khẳng định muốn xây dựng TP thông minh hiện đại như Singapore. Vì thế, nữ Chủ tịch BRG đề cao việc làm quy hoạch, triển khai theo đúng quy hoạch. Trục không gian Nhật Tân – Nội Bài có chiều ngang khoảng 100m, dọc 2 bên đường dài khoảng 11-12km chỉ có cây xanh, đường đi bộ và kênh. 

Bà Nga nhấn mạnh: Nhà đầu tư phải đủ tiêu chuẩn năng lực tài chính, trình độ và công nghệ. “Tôi luôn đau đáu làm quy hạch cho dự án này, từ sân bay, cầu mới cho đến đường mới. Nếu trục 2 bên chỉ là những dự án to, nhỏ, tự phát, không quy hoạch, phân khu chung chung thì không bao giờ có 1 thành phố như Singapore và nếu trục này bị băm nát thì Hà Nội sẽ không bao giờ có thành phố đẹp cả”- bà Nga nói.

Theo bà Nga chia sẻ, dự án sẽ gồm nhiều hạng mục từ công viên ven sông, có làng ASEAN, khu Đại học và giữ được các làng xóm hiện hữu, cư dân tại đây vẫn kết nối được với TP hiện tại.

“Chính phủ hoàn toàn đồng ý giao hoàn toàn hơn 2.000 ha cho BRG và Sumitomo nhưng chúng tôi nhận chỉ làm 1 phần thôi. Dự án này không phải là cho các đại gia vào bán nhà mà thực sự là cống hiến” – bà Nga bày tỏ.

img

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp đoàn đại biểu Tập đoàn Sumitomo và Tập đoàn BRG. Ảnh Hùng Thập

Cũng theo bà Nga, đến thời điểm này Tập đoàn đã hoàn chỉnh các bước về hồ sơ pháp lý, tài chính để đầu tư đã sẵn sàng. Dự án được người dân địa phương (xã Hải Bối, huyện Đông Anh) ủng hộ bởi quy hoạch giữ lại những làng mạc truyền thống, chỉ xâ dựng khu đô thị hiện đại ở những nơi ít dân cư.

Điểm đặc biệt của dự án này được Chủ tịch BRG tiết lộ là hạ tầng sẽ được đầu tư đồng bộ, kết nối cho cả dự án theo ý tưởng quy hoạch của công ty tư vấn P&T Consultants Pte Ltd (Hồng Kông), tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long - Hà Nội với ý tưởng chính là "Rồng đón ngọc", xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay về trung tâm thành phố, đầu Rồng quay về sông Hồng – Hồ Tây.

“Điểm đặc biệt của TP thông minh sẽ là đô thị cực kỳ hiện đại, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Sử dụng điện mặt trời, nước uống tại vòi… Ngoài ra, còn có hệ thống phương tiện công cộng ngay trong TP và kết nối với các khu vực khác. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào tháng 10.2018, hoàn thành giai đoạn 1 năm 2020 và cả dự án vào năm 2028” – bà Nga cho hay.

Trước đó, thỏa thuận hợp tác phát triển dự án đô thị Nhật Tân – Nội Bài giữa UBND TP Hà Nội, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo được ký kết giữa năm 2017.Đồ án quy hoạch chia tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài thành 3 đoạn (trải dài từ sân bay Nội Bài đến đê tả Hồng giao với cầu Nhật Tân) được công bố giữa năm 2016 với tổng chiều dài hơn 11 km, thuộc một phần địa giới 9 xã, thị trấn của huyện Đông Anh và 3 xã của huyện Sóc Sơn. Trong đó, trọng tâm khu vực là tháp tài chính thương mại Phương Trạch với chiều cao dự kiến tối đa khoảng 108 tầng.