Hoàn thiện hình hài VPF
Cách đây hơn 2 tháng, ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch CLB Hà Nội. ACB - người khởi xướng mô hình VPF có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong làng bóng đá VN đã nói lớn: "Chỉ cần 1 tháng là xong hết".
VPF làm gì để thu hút thêm nhiều cầu thủ Việt kiều chất lượng như Lee Nguyễn về nước chơi bóng? |
Nhưng khi bắt tay vào làm mới nảy sinh những cuộc tranh luận giữa "bầu Kiên và những người bạn" với VFF. Và 1 tháng của bầu Kiên chỉ đủ để giải quyết xong "câu chữ" xác định vị trí pháp lý của VPF: "VPF chịu sự quản lý nhà nước của Tổng cục TDTT, Bộ VHTTDL; chịu sự quản lý về chuyên môn của VFF; chịu sự quản lý về kinh tế của UBND TP.Hà Nội nơi VPF đặt trụ sở..." (trích Điều 3 Dự thảo Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp 2012).
Mất thêm 1 tuần nữa, tại Đại hội thường niên VFF hôm 4.11, những người trong cuộc mới quyết định được VPF sẽ hoạt động theo mô hình công ty cổ phần chứ không phải công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH). Và tới ngày 29.11 (tròn 2 tháng từ lúc bầu Kiên "phát pháo"), mới bắt đầu thấy rõ hình hài của VPF sau cuộc họp giữa 25 cổ đông VPF là sẽ có vốn điều lệ 30 tỷ đồng...
Các nhân sự chủ chốt của VPF cũng đã được dự kiến: Ông Phạm Ngọc Viễn- Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF làm Tổng Giám đốc VPF kiêm Trưởng BTC V.League; ông Phạm Phú Hòa - Giám đốc điều hành CLB ĐT.LA làm Phó Tổng Giám đốc VPF; ông Lê Hùng Dũng- Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF làm Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF; ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch CLB Hà Nội. ACB làm Phó Chủ tịch HĐQT VPF; ông Nguyễn Hữu Bàng - Phó Tổng Thư ký VFF đảm nhận vị trí Trưởng BTC Giải hạng Nhất; ông Dương Vũ Lâm - Trưởng Văn phòng phía Nam VFF ngồi ghế Trưởng ban trọng tài...
Thu hút Việt kiều không dễ
Nhìn vào danh sách những nhân vật quan trọng ở VPF, nhiều người có thể băn khoăn về chuyện "bình mới rượu cũ". Nhưng thực tế, từ trong ý tưởng của mình, bầu Kiên đã cho rằng không phải là những người làm bóng đá VN kém. Vấn đề là những con người ấy bị kìm kẹp bởi cơ chế cũ, và VPF ra đời có ý nghĩa như việc hình thành một cơ chế mới phù hợp, phát huy tối đa năng lực của những người làm bóng đá VN.
Ngay trước thềm Đại hội cổ đông VPF, thử thách đã xuất hiện với những tranh luận về kế hoạch thu hút Việt kiều mà ông Lê Hùng Dũng đã phát biểu: "Từ mùa giải 2012, cầu thủ có bố hoặc mẹ là người Việt sẽ được coi là nội binh, dù họ chưa nhập quốc tịch Việt Nam".
Ý tưởng ấy rất tốt và sẽ giúp V.League thu hút được nhiều hơn sự chú ý của những tài năng như Lee Nguyễn. Nhưng để biến ý tưởng đó thành hiện thực lại không hề đơn giản bởi trên thế giới xưa nay chưa hề có tiền lệ.
Tuy nhiên, luật riêng của VPF này (nếu ý tưởng của ông Dũng thành hiện thực) sẽ vi phạm luật Việt Nam và quốc tế. Và sẽ chẳng ai bất ngờ nếu những ngoại binh bị xâm phạm quyền lợi và cả nội binh bị các cầu thủ “Việt kiều” cướp mất vị trí sẽ bức xúc và kiện VPF tới FIFA, Tòa án Thể thao quốc tế (CAS). Trước vấn đề này, ông Phạm Ngọc Viễn đã tránh trả lời với lý do đang... bận việc gấp.
Và chẳng biết trong thời gian tới, VPF sẽ thể hiện năng lực, tác động tới những cơ quan chức năng cao hơn ra sao, để những ý tưởng của mình không dừng ở lời nói, tạo nên cú đột phá cho V. League dưới sự điều hành của VPF là nơi hội tụ của nhân tài Việt.
Lê Đức