Báo NTNN/Dân Việt là tờ báo đầu tiên đăng tải vụ việc vịt chạy đồng “cõng” phí tại xã Ân Phong vào tháng 4.2018, sau khi báo chí phản ánh thì lãnh đạo huyện Hoài Ân đã vào cuộc kiểm tra, giải quyết.
Đàn vịt ra đồng tại xã Ân Phong phải đóng phí “công đồng lạc túc”. Ảnh: D.T
Câu chuyện tại xã Ân Phong được tóm tắt ngắn gọn như sau, khi nông dân gặt lúa xong, người nuôi vịt muốn có diện tích thả đồng phải nộp phí, gọi là phí “công đồng lạc túc” cho xã. Tuy nhiên, sau nhiều lần thua lỗ, nông dân “liều mình” lên tiếng, đề nghị miễn giảm loại phí này.
Nông dân L. Đ (trú thôn An Hậu, xã Ân Phong) cho biết: “Gia đình tôi nuôi khoảng 800 vịt theo phương thức chạy đồng. Mỗi năm, phải nộp cho UBND xã 1 triệu đồng tiền phí công đồng lạc túc để đàn vịt có diện tích chăn thả”.
Theo ông Đ, loại phí này đã có lâu đời tại địa phương, từ thời Pháp thuộc. Sau khi nộp phí, người nuôi vịt sẽ được chính quyền giao khoán diện tích mặt ruộng sau thu họach. Việc nộp phí hạn chế tình trạng các chủ vịt từ nơi khác lùa vịt đến địa phương, gây chồng lấn địa bàn chăn thả. Tuy nhiên, ông Đ. đề nghị chính quyền xã giảm phí để bớt gánh nặng cho người nông dân.
“Sau khi nông dân gặt lúa xong, với 50ha diện tích mặt ruộng thì 2 hộ chăn nuôi chúng tôi phải nộp cho xã mỗi hộ 1 triệu đồng, sau đó tự chia diện tích để thả vịt. Năm nào khó khăn thì yêu cầu xã giảm phí, nhưng yêu cầu này còn tùy thuộc vào vị chủ tịch xã, nếu dễ chịu thì họ mới đồng ý giảm, còn không thì giữ nguyên. Hiện, người nuôi vịt gặp rất nhiều khó khăn nên chúng tôi muốn được giảm loại phí này” - ông Đ. đề nghị.
Trong khi đó, bà L. T. T. (62 tuổi, trú xã Ân Phong) than thở: “Nghề nuôi vịt thả đồng như canh bạc giữa ruộng, có năm thua lỗ với đến hơn 20 triệu đồng. Điều đáng nói, mỗi năm tôi phải nộp phí công đồng lạc túc cho xã với mức 1 triệu đồng. Khoản thu này quá vô lý và gây khó khăn cho người dân. Chúng tôi đã kiến nghị không thu phí nhưng xã không chịu, nếu không nộp tiền thì vịt không được thả ra đồng, người nuôi vịt thả đồng rất khổ tâm”.
Bà T. cho rằng, mỗi năm 2 vụ lúa, người chăn vịt chỉ thả được khoảng 40 ngày. Nếu trong lúc gặt, lúa rụng nhiều thì vịt thả đồng mới được no ruột, còn không thì về chuồng phải cho ăn thêm.
Sau khi bài viết đầu tiên: “Oái ăm chuyện vịt thả rông nhặt lúa ngoài đồng cõng phí” được đăng tải, ông Hoàng Phi Long - Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân - cho biết: “Tôi đã đọc thông tin vụ việc trên báo NTNN/Dân Việt, UBND huyện sẽ thành lập ngay đoàn kiểm tra về tại xã Ân Phong để xác minh”.
Thời điểm đó, ông Long cho rằng, vụ việc báo nêu khá bất ngờ vì nguồn thu phí “công đồng lạc túc” từ các hộ thả vịt chạy đồng không phải chủ trương của UBND huyện mà có nguồn gốc “truyền thống” lâu đời để lại.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Nông dân tâm sự rằng cơ cực lắm, họ mới thả ra những cánh đồng để đàn vịt nhặt mót lại những hạt thóc rơi trên ruộng, tiết kiệm chi phí thức ăn được chừng nào thì hay chừng ấy. Trong khi đó, đàn vịt ra đồng phải “cõng” thêm phí nộp cho chính quyền xã, thực sự khiến họ lâm cảnh “khó chồng khó?”.
“Trước mắt, nếu người chăn nuôi vịt thả đồng gặp khó khăn thực sự thì làm đơn gửi lên xã để được miễn giảm. Cần thiết, chúng tôi sẽ chỉ đạo xã chấm dứt luôn việc thu phí này”- ông Long khẳng định.
Sau hàng loạt bài viết phản ánh vụ việc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân đã có văn bản gửi lãnh đạo các địa phương trên toàn huyện, yêu cầu rà soát lại các khoản thu phí, lệ phí đang thực hiện, báo cáo về UBND huyện. Đặc biệt, vị chủ tịch huyện “lệnh” phải nghiêm túc bãi bỏ ngay các loại phí thu không đúng quy định.