Dân Việt

NSND Tiến Dũng: Hát và sáng tác như duyên nợ với quê hương

M.A (thực hiện) 20/06/2018 07:10 GMT+7
NSND Phạm Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nghệ An chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Dân Việt xung quanh đề án bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ trong sự đa dạng văn hóa.

img

NSND Tiến Dũng cho biết, trong năm 2018, ngành văn hóa và thể thao sẽ tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị dân ca ví, giặm như: Tổ chức Liên hoan CLB dân ca ví, giặm trong các trường phổ thông; Liên hoan CLB dân ca ví, giặm cấp liên tỉnh; Liên hoan Tiếng hát làng Sen với chủ đề “Dâng Người câu hát dân ca”.

Ông có thể cho biết điểm đáng chú ý trong đề án bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ?

- Đề án bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm xứ Nghệ có tầm nhìn và định hướng chiến lược đến năm 2030 đặt ra các vấn đề quan trọng, lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội tại tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trong sự đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở 2 tỉnh.

Bảo vệ dân ca ví, giặm xứ Nghệ chú trọng đến trao truyền di sản tại cộng đồng, đảm bảo sự tham gia rộng rãi nhất của cộng đồng những nơi thực hành, gìn giữ và trao truyền di sản, đồng thời khuyến khích họ tham gia tích cực vào quản lý di sản. 

Bảo vệ và phát huy giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ trong đời sống đương đại là đảm bảo sức sống của của di sản, phổ biến những giá trị nhân văn, giáo huấn tốt đẹp cho thế hệ sau. Nâng cao nhận thức và lòng tự hào của cộng đồng dân cư về ý thức trách nhiệm, nhất là thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, thực hành và trao truyền di sản. Từng bước phát huy giá trị của di sản trong đời sống, trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng để trao đổi, giao lưu văn hóa, nhằm tăng cường khả năng đối thoại giữa các cộng đồng, phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Còn về lộ trình của đề án được triển khai như thế nào? thưa ông!

Giai đoạn 2018-2023: chúng tôi sẽ thực hiện đồng thời các nhiệm vụ: Kiểm kê, nghiên cứu, tư liệu hóa, số hóa dân ca ví, giặm xứ Nghệ; Phục hồi các phường hát và không gian sinh hoạt truyền thống; Tiếp tục truyền dạy di sản trong cộng đồng; Nâng cao năng lực thực hành, quản lý; có chính sách đãi ngộ nghệ nhân, những người thực hành di sản; tăng cường công tác quảng bá, phổ biến, tuyên truyền; Xây dựng chương trình giáo dục di sản; Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị nghệ thuật, thiết chế văn hóa…

Giai đoạn 2024 - 2030: Đề án tiếp tục tiến hành kiểm kê, tư liệu hóa di sản; Phát huy giá trị của nó trong đời sống, trong các hoạt động phát triển du lịch; Khôi phục các không gian diễn xướng và trình diễn của các phường di sản truyền thống...

Từ các nhiệm vụ theo từng giai đoạn, đề án đã đề xuất các giải pháp toàn diện để bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Ví Giặm. Ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ tại các quận/huyện/thị xã, xã/phường có di sản dân ca xứ Nghệ, nhằm tạo điều kiện phát triển mạng lưới CLB. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc thực hiện các dự án.

Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Việt Nam với UNESCO, các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường liên kết, phối kết hợp trong các hoạt động bảo vệ và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ; Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức và cộng đồng người Nghệ Tĩnh ở nước ngoài.

Hiện nay, nhiều địa phương nắm giữ di sản lo lắng trước thách thức của thời đại công nghệ số với sự du nhập của nhiều loại hình nghệ thuật. Với Dân ca xứ Nghệ nói chung, Sở VHTT&DL Nghệ An đã hóa giải lo lắng ấy bằng cách nào?

-Trước thực trạng du nhập của nhiều loại hình nghệ thuật mới và nguy cơ hiện đại hóa di sản, để làm tốt công tác bảo tồn, quảng bá dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Sở đã và đang có nhiều giải pháp thích hợp.

Sau 3 năm di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được Unesco vinh danh, công tác bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản được tiến hành thường xuyên, đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức. Bên cạnh việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, viết bài, đưa tin về dân ca Ví, Giặm trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp xây dựng phóng sự, phim tài liệu; phát hành đĩa CD, VCD ca nhạc về dân ca Ví, Giặm, việc quảng bá, tăng cường sự lan tỏa của Ví, Giặm trong cộng đồng còn thông qua các chương trình giao lưu nghệ thuật như Chương trình “Về miền Ví, Giặm”, "Đôi bờ Ví Giặm"… với tính nghệ thuật cao và sức lan tỏa rất lớn.

Đẩy mạnh mạng lưới Câu lạc bộ dân ca (CLB) và đội ngũ nghệ nhân ở các địa phương trong tỉnh, xây dựng nên được một mạng lưới CLB dân ca rộng khắp với nhiều thành viên thuộc nhiều độ tuổi, ngành nghề cùng tham gia sinh hoạt. Đến năm 2017 toàn tỉnh Nghệ An đã có hơn 100 CLB ở 19 huyện, thành, thị với tổng số hơn 2.000 thành viên.

img

Sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh ngày càng đào tạo nên được một đội ngũ diễn viên có tay nghề vững vàng và góp phần đưa sân khấu kịch hát dân ca đến gần hơn với quần chúng.

Song song với hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản, phát triển mạng lưới CLB, tỉnh Nghệ An cũng chú trọng các hoạt động khác như các chương trình dạy hát dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trên sóng Đài truyền hình Nghệ An và phong trào đưa dân ca vào trường học tiếp tục được duy trì. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa dân ca Ví, Giặm tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch hàng năm. Và để làm định hướng lâu dài cho công tác bảo tồn và phát huy di sản, hiện nay, tỉnh Nghệ An đang chủ trì hoàn thiện đề án “Bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đến năm 2030” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2018.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2018, ngành Văn hóa và Thể thao sẽ tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa Chương trình hảnh động bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm như Trong năm 2018 như: Tổ chức Liên hoan CLB dân ca Ví, Giặm trong các trường phổ thông. Tổ chức Liên hoan CLB dân ca Ví, Giặm cấp liên tỉnh. Tổ chức Liên hoan Tiếng hát Làng Sen với chủ đề “Dâng Người câu hát dân ca”.

Là nhà quản lý xuất thân là một nghệ sĩ - diễn viên của Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh, rồi trở thành tác giả của hàng trăm tác phẩm, trong đó có nhiều vở diễn đoạt Huy chương vàng, bạc trong các kỳ hội diễn. Theo ông điều gì đã khiến dân ca xứ Nghệ có sức hập dẫn đến vậy?

 Với tôi, Ví, Giặm đã thấm đẫm trong tôi từ nhỏ, trở thành máu thịt, nên việc đặt lời mới cho dân ca Ví, Giặm, hay việc viết một tác phẩm mang âm nhạc mang âm hưởng Ví, Giặm như là một duyên nợ với quê hương.  Đặt lời mới hay sáng tác một tác phẩm phải phản ánh cuộc sống hiện đại nhưng phải tôn trọng những giá trị truyền thống kết hợp những tinh hoa nhân loại để xây dựng cho mình một phong cách âm nhạc mang hơi thở mới. NSND Tiến Dũng chia sẻ.

-Dân ca Ví, Giặm được hình thành từ đời sống lao động sản xuất của người dân xứ Nghệ, hình thành bởi đặc trưng phương ngữ của người Nghệ nên người Nghệ hát Ví, Giặm mang một phong vị riêng. Nhiều khi hát mà như nói mới thể hiện được hết ngữ nghĩa, độ luyến láy và tính chất của làn điệu hát.

Tự hào về Ví, Giặm, trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau là phải biết nâng niu, gìn giữ, phổ biến và điều quan trọng là phải biết khai thác, sáng tạo, phát triển trên nền tảng âm nhạc dân gian truyền thống, phù hợp với thị hiếu, thẩm mỹ âm nhạc, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của công chúng trong xã hội đương đại.

Bản thân tôi, từ nhỏ tôi đã được tắm mình trong những điệu Ví, Giặm, qua lời ru của bà, của mẹ... rồi đêm đêm được theo anh, chị đi nghe hò đối đáp, giao duyên... Hình ảnh đó in sâu trong tâm trí tôi và là hành trang theo suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi.

Dân ca Ví, Giặm đã là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, mong rằng mỗi người con quê hương xứ Nghệ, mỗi công dân nước Việt Nam đã, đang công tác ở bất cứ nơi đâu cùng tìm hiểu, yêu Ví, Giặm, hãy giới thiệu, quảng để ngày càng nhiều người hiểu và yêu Ví, Giặm hơn, để di sản sống mãi cùng thời gian.  

Xin trân trọng cảm ơn ông!