Dân Việt

Sức sống từ những trầm tích văn hóa, lịch sử

Minh Anh 20/06/2018 06:30 GMT+7
Điều gì đã khiến cho dân ca xứ Nghệ có sức hút mãnh liệt trong đời sống đương đại? Phải chăng chính những trầm tích văn hóa, lịch sử ẩn sâu trong những làn điệu mang đặc trưng bản địa đã tạo nên điều kỳ diệu đó.

Đất và người làm nên giá trị văn hóa đặc sắc

Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ, là vùng đất cổ. Những năm đầu thế kỷ 17 - 18, hát ví, giặm phát triển và trở thành hình thức trình diễn dân gian phổ biến của cộng đồng với sự tham gia của nhiều tầng lớp, từ người lao động bình dân đến các nhà khoa bảng, thầy đồ và trí thức… mà bất kỳ người Nghệ An - Hà Tĩnh nào cũng đều có thể hát. Người ta có thể hát trong các nghi lễ tín ngưỡng, đến vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng.

img

Một buổi biểu diễn hát dân ca ví, giặm trên sông của các nghệ sĩ Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ và thành viên CLB dân ca ví, giặm xã Bồi Sơn, huyện Đô Luơng, Nghệ An.  Ảnh: Tá Chuyên

Tháng 11.2014, tại Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

PGS-TS Bùi Quang Thanh  (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho biết: “Nghệ Tĩnh là vùng đất có truyền thống hiếu học, có các nhà khoa bảng văn chương danh tiếng, nơi sản sinh cho đất nước nhiều danh tướng, lương thần, nhà văn hóa, khoa học tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Chính đội ngũ các danh nhân, chí sĩ đã góp phần quan trọng trong việc truyền bá học thuật, giáo dục truyền thống, nâng cao dân trí, góp phần tạo ra nét văn hóa đặc sắc và dấu ấn bác học cho kho tàng văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, trong đó có ví, giặm”.

Là vùng đất có địa hình núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển, với khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi thiên nhiên chưa bao giờ ưu đã đã tạo nên con người xứ Nghệ kiên cường, dẻo dai. Theo quan sát của GS Đặng Thai Mai: “Những đặc điểm tự nhiên đã tạo cơ sở cho sự hình thành nét phong thái, tính cách can đảm đến sơ xuất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến... “cá gỗ” đã hình thành lên dòng máu người Nghệ ham thích văn chương, trong đó có thói quen thường trực với nhu cầu ca hát ví, giặm”. 

 PGS - TS Bùi Quang  Thanh cho rằng: “Ví, giặm là một cuốn sử của cộng đồng xứ Nghệ, được ghi lại một cách chi tiết, tự nhiên và kịp thời bằng chất liệu ngôn từ nghệ thuật bình dị, gửi gắm vào đó mọi nghĩ suy, nhận thức, đánh giá… của hầu hết dân chúng. Điều đó làm nên giá trị và chứa đựng mọi tri thức về văn hóa, lịch sử, kỹ thuật canh tác, ứng xử với tự nhiên và xã hội cũng như ứng xử mang bản sắc người Nghệ được đúc kết cho hậu sinh”.

Đưa dân ca ví, giặm đến tầm nhân loại

Khác với dân ca các vùng miền, lịch sử phát triển của ví, giặm xuyên suốt và gắn với tự nhiên, xã hội, ứng xử giữa con người với con người qua các thế hệ và luôn được trao truyền, gìn giữ và phát triển, cả bề rộng lẫn chiều sâu.

Ví, giặm hiện diện như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Người dân xứ Nghệ có thể hát mọi lúc, mọi nơi mà không cần âm nhạc minh họa hay phục trang, đạo cụ, không bị gò bó bởi những lề lối, niêm luật trong khi trình diễn, mà có thể ứng tác cho phù hợp với nhu cầu được thể hiện tâm tư tình cảm, trình độ, trạng thái, môi trường, hoàn cảnh…

Theo các nhà nghiên cứu, kho tàng ca cổ của xứ Nghệ có 3 thể hát chính: Hò, ví, giặm. Hệ thống bài bản, làn điệu của ví, giặm gắn liền với lao động sản xuất và chủ yếu phát triển mạnh ở các làng nghề (nghề dệt vải, nghề làm nón, nghề làm bánh, nghề đan lát, nghề làm hàng sáo, nghề đóng thuyền, nghề mộc, nghề đúc đồng, nghề gốm, nghề rèn…) với những điệu ví phường Vải, ví phường Nón, ví Đò đưa, Giặm kể… mà tập trung chủ yếu ở các vùng dân cư dọc theo sông Lam và sông La.

Không gian cư trú của người Nghệ An - Hà Tĩnh dường như cũng chính là không gian của dân ca ví, giặm. Dường như nơi nào có người nói được tiếng Nghệ, nơi đó sẽ vang lên âm hưởng của dân ca ví, giặm. Do đặc trưng phương ngữ nên người Nghệ hát ví, giặm mang một phong vị riêng. Nhiều khi hát mà như nói mới thể hiện được hết ngữ nghĩa, độ luyến láy, tính chất của làn điệu hát.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, cho đến nay, dân ca xứ Nghệ không chỉ trở thành biểu trưng văn hóa sống động của người Nghệ mà nó đã trở thành di sản mang tầm nhân loại, luôn được sáng tạo, vun bồi, phát triển và hội nhập cùng dòng chảy văn hóa đương đại.