Trung tâm cai nghiện Vũ Oai nằm tại một nơi hẻo lánh, thưa thớt nhà dân của huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, biệt lập với xã hội bên ngoài, muốn đi vào phải băng qua con đường đất gồ ghề hơn 300m.
Nơi đây đã giúp đỡ cho hàng trăm người thoát ra khỏi “cái chết trắng” mà bấy lâu nay là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Khu nhà ở của học viên được xây cấp 4 và xếp theo hình chữ U.
Hiện tại trung tâm có 103 cán bộ trông coi 517 học viên cai nghiện (trong đó có 41 người nghiện bắt buộc, 5 học viên nữ và 5 người nghiện không nơi cư trú). Toàn bộ trung tâm được chia làm nhiều khu như nhà ở học viên nam và nữ, khu vui chơi thể dục thể thao, ăn uống, lao động, khu điều trị và khu nhà ở cán bộ.
Khu nhà ở, sinh hoạt của các học viên nam, nữ được đặt riêng biệt và xây dựng cấp 4, xếp thành hình chữ U, xung quanh là hệ thống “tường cao, hào sâu” và luôn có người canh chừng 24/24h tại các vọng gác để tránh trường hợp bỏ trốn.
Mỗi phòng có từ 15 đến 20 học viên chung sống, người nào cũng được phát quần áo đồng phục, vật dụng cá nhân, không gian riêng mỗi người là chiếc giường sắt hai tầng. Học viên được đọc báo, xem tivi nhưng nghiêm cấm hút thuốc, rượu bia và sử dụng điện thoại.
Đối diện khu nhà ở là sân bóng, nơi tập gym và khu vực cắt tóc.
Học viên cai nghiện được hoạt động thể thao như đá bóng, bóng chuyền, tập gym và cắt tóc hàng tháng.
Buổi sáng, học viên dậy từ 6h30 để ăn sáng rồi đi lao động theo sự phân công của từng tổ, đến 10h thì về ăn cơm, nghỉ trưa, buổi chiều tối thì tham gia chơi thể thao như đá bóng, bóng chuyền, số khác thì chơi cờ tướng.
Anh H.V.T. (32 tuổi) cho biết đã vào trung tâm cai nghiện được hơn 1 năm, hiện vẫn phải điều trị bằng methadone. “Trước đây tôi sử dụng heroin, lúc nào cũng trong tình trạng làm thế nào để có tiền mua thuốc, vào đây rồi được tư vấn sức khỏe, cắt cơn nên cũng đỡ hơn, cai nghiện thành công tôi sẽ hòa nhập với cộng đồng và không quay lại con đường đen tối nữa”, anh T. bộc bạch.
Ông Lê Minh Sơn - Phó giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Ninh kiêm giám đốc trung tâm cai nghiện Vũ Oai chia sẻ, ngày trước, học viên toàn là con của các gia đình khá giả. Nay cơ chế miễn phí hoàn toàn cho các học viên cải tạo từ 6 tháng nên gia đình không có điều kiện cũng có thể đưa người thân tới trung tâm. Số tiền chu cấp cho 1 học viên là 2 triệu đồng/tháng.
Đồ lao động được để gọn gàng.
Cũng có vài trường hợp học viên cai nghiện là kiến trúc sư, kỹ sư điện tử làm lương tháng gần 30 triệu đồng, nhưng vì muốn thức đêm làm việc nên đã sử dụng ma túy, đến lúc muốn dứt ra thì đã muộn.
Đặc biệt hơn, trước đây cứ mỗi 3 tháng, học viên nào có vợ, chồng muốn gần gũi với nhau thì sẽ được sắp xếp vào nhà hạnh phúc, tuy nhiên hiện tại cơ chế này đã tạm ngừng hoạt động vì hệ lụy kèm theo.
“Phía trung tâm tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng, nhưng nhiều trường hợp chính vợ lại mang ma túy vào cho chồng sử dụng trong nhà hạnh phúc, khi kiểm tra thì học viên lại dương tính với ma túy”, ông Sơn tâm tư.
Việc quản lý 5 học viên nữ cũng gặp rất nhiều khó khăn, từ sinh hoạt tới lao động đều phải tách riêng biệt với các học viên nam.
Số lượng học viên nữ ít nhưng nhân lực để quản lý nhiều hơn, có lần tại chương trình văn nghệ trung tâm phải cắt cử 5 cán bộ đi sát bên để quản lý, tránh trường hợp bị các học viên nam động chạm.
Mỗi phòng ở đều có ti vi.
Ông Sơn thông tin thêm, trung tâm hiện có 5.000m2 chuồng trại chăn nuôi (lợn, gà, thỏ), 3ha ao cá và 7ha cây trồng. “Học viên chủ yếu lao động trị liệu, sản xuất thực phẩm sạch để tránh thời gian rảnh rỗi, nghĩ về ma túy”, lời ông Sơn.
Được biết, trung tâm cai nghiện tại Quảng Ninh thành lập năm 1993 tại phường Yết Kiêu (số lượng 50 giường). Đến năm 1998 chuyển ra đảo Vạn Cảnh và đến năm 2006 chuyển về địa điểm hiện nay với 2.000 giường.
Ông Lê Minh Sơn - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Ninh kiêm Giám đốc Trung tâm cai nghiện Vũ Oai.
Nhà ăn.
Học viên đánh cờ tướng sau buổi lao động.
Học viên xếp hàng trở về sau giờ lao động trị liệu.
Bên trong một phòng ở của học viên.