Với mỗi người dân Việt Nam, khi nhắc tới tên lửa không đối không Nga thường nghĩ ngay tới Vympel K-13 hay R-73/27/77. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả kho tên lửa đối không của Liên Xô (Nga). Ngoài những loại này, Liên Xô (Nga) còn có những mẫu tên lửa khác. Việc không được biết tới ở Việt Nam cũng do một phần các loại tên lửa không đối không này tham chiến không hiệu quả tại Việt Nam, hoặc không được cung cấp cho Việt Nam. Ảnh: Tiêm kích MiG-21 của KQND Việt Nam mang tên lửa R-60 – một trong những mẫu đạn không đối không được Liên Xô xuất khẩu rộng rãi.
Trong ảnh là Kaliningrad K-5 - một trong những tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar đầu tiên của Liên Xô. Nó từng được cung cấp cho Việt Nam sử dụng trên MiG-21 trong kháng chiến chống Mỹ, tuy nhiên nó chưa bao giờ được ghi nhận là sử dụng hiệu quả do gặp phải biện pháp gây nhiễu chế áp mạnh mẽ. K-5 đạt tầm bắn 2-6km, tốc độ 2.880km/h, mang đầu nổ nặng 13kg.
Tên lửa không đối không tầm trung Kaliningrad K-8 (hay còn gọi là R-8) được trang bị công nghệ đầu tự dẫn radar bán chủ động. Tên lửa đạt tầm bắn 23km, tốc độ Mach 2, mang đầu nổ 40kg.
Suốt thời gian phục vụ từ 1960-1992, K-8 hầu như chẳng có chiến tích nào, thậm chí là còn mang một vết nhơ. Theo đó, ngày 1.9.1983, chiếc Sukhoi Su-15 đã dùng K-8 bắn rơi máy bay chở khách KAL Flight 007 của Hàn Quốc khiến hàng trăm người thiệt mạng. Có thể nói, K-8 là tên lửa không đối không đáng quên của Liên Xô. Ảnh: K-8 trên máy bay tiêm kích Su-11.
Trong ảnh là những quả tên lửa không đối không "khổng lồ" Bisnovat R-4 (NATO gọi là AA-5) được thiết kế dành riêng cho máy bay tiêm kích đánh chặn lớn nhất lịch sử Tu-28 của Không quân Liên Xô.
Với trọng lượng lên tới gần nửa tấn, mỗi máy bay tiêm kích Tu-28 chỉ mang được 4 quả R-4. Loại tên lửa này lắp đầu nổ 53kg, tầm bắn đạt 2-25km, trang bị đầu dò radar bán chủ động hoặc đầu dò hồng ngoại.
Tên lửa không đối không tầm trung R-23 (NATO gọi là AA-7 Apex) được Liên Xô phát triển, trang bị cho tiêm kích đánh chặn MiG-23. Tên lửa nặng 222kg, mang đầu nổ 25kg, tầm bắn 35km với đầu dò radar bán chủ động hoặc chỉ đạt 15km với đầu dò hồng ngoại.
So với các loại tên lửa trên, dù không được biết tới nhiều nhưng R-23 còn có cơ hội lập nên chiến tích lớn. Người ta ghi nhận, R-23 đã được Không quân Syria sử dụng để bắn hạ 6 chiếc F-16A và một E-2 của Israel năm 1982; bắn rơi số lượng không xác định tiêm kích F-14A, F-4, F-5 của Iran giai đoạn 1980-1988... Đáng lưu ý, F-16 hay F-14A đều là những tiêm kích cực kỳ hiện đại do Mỹ sản xuất.
Tên lửa không đối không tầm xa Bisnovat R-40 (NATO gọi là AA-6 Acrid) được Liên Xô phát triển trang bị cho các tiêm kích nhanh nhất thế giới MiG-25. R-40 có trọng lượng tới 461kg, mang đầu nổ 70kg, tầm bắn 30-80km, tốc độ Mach 4,5-5, trang bị đầu dò radar chủ động hoặc hồng ngoại.
R-40 được ghi nhận lập một số chiến tích trước các loại máy bay chiến đấu Mỹ. Cụ thể, ngày 29.1.1981, MiG-25PD của Syria đã bắn rơi một F-15 của Israel; ngày 17.1.1991, MiG-25 của Iraq cũng đã xé nát một F/A-18C của Hải quân Mỹ và chiến tích cuối cùng vào ngày 23.12.2003, MiG-25 Iraq bắn hạ một UAV Mỹ bằng R-40.
Tên lửa không đối không tầm siêu xa R-33 (NATO gọi là AA-9 Amos) được phát triển cho tiêm kích đánh chặn MiG-31 nhằm tấn công tiêu diệt các loại máy bay ném bom chiến lược và trinh sát cơ siêu thanh của Mỹ. R-33 sở hữu tính năng cực "khủng", tuy nhiên chúng hiếm khi được biết tới do một phần không được phép xuất khẩu ra bên ngoài, cũng như được bảo mật tính năng rất chặt chẽ.
R-33 nặng tới 490kg, lắp đầu nổ nặng 47,5kg, tầm bắn 120 (mẫu năm 1981) và tăng lên tới 304km với phiên bản cải tiến năm 2012, trang bị đầu tự dẫn radar chủ động pha cuối cùng hệ dẫn quán tính. Radar Zaslon trên MiG-31 cho phép dẫn cùng lúc 4 quả R-33 để tiến công 4 mục tiêu.
Tên lửa không đối không tầm siêu xa R-37 được phát triển cho tiêm kích MiG-31 để bắn hạ các máy bay báo động sớm AWACS hoặc máy bay trinh sát-do thám như E-3 Sentry. R-37 đạt tầm phóng 150-398km, trang bị đầu tự dẫn radar chủ động pha cuối.