Đó là kết quả điều tra năng lực quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại (SVNLXH) của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) được công bố tại hội thảo tổ chức ngày 17.9 ở Hà Nội.
Xâm nhập và phát triển mạnhTheo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, ở Việt Nam có khoảng 94 loài thực vật ngoại lai nhập nội, trong đó có 42 loài xâm hại thuộc các họ thực vật: Thầu dầu, đậu, cúc, cói…; động vật thủy sinh ngoại lai đang tồn tại ở Việt Nam có 48 loài (năm 2009), trong đó có 24 loài có tiềm năng gây hại, 14 loài gây hại. Các loài này du nhập vào Việt Nam qua rất nhiều con đường khác nhau.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học: “Có những loài được mang đến môi trường mới một cách vô tình, cũng có loài được mang vào một cách chủ ý, cho mục đích hẹp như nghiên cứu khoa học, sau đó vô tình phát tán ra môi trường. Thậm chí có loài được chủ định du nhập với mục đích làm cảnh hay kinh tế mà không lường trước được những tác hại mà nó sẽ gây ra”.
Bà Nhàn liệt kê một số loài tiêu biểu đã được du nhập từ rất lâu, đã thích nghi với điều kiện tự nhiên ở Việt Nam và phát triển rất mạnh như cỏ Lào, bèo Nhật Bản, bông ổi, hay mai dương... sau đó là ốc bươu vàng, hải ly, tôm đỏ, và gần đây có rùa tai đỏ, tôm thẻ chân trắng...”.
Nông dân xã Nội Hoàng (Yên Dũng, Bắc Giang) bắt ốc bươu vàng hại lúa.
Ông Nguyễn Tiến Đồng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng nhấn mạnh: “Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các SVNLXH, gây ảnh hưởng trực tiếp tới công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế, đặc biệt đối với nông, lâm, ngư nghiệp, như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ và cây mai dương”.
Với riêng ốc bươu vàng, ông Lê Thiết Bình – đại diện Bộ NNPTNT cho biết: “Xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1986, loài động vật này đã xâm nhiễm vào hệ sinh thái và phát triển nhanh chóng, trở thành dịch hại nghiêm trọng trên cây lúa. Ước tính, mỗi năm cả nước có khoảng 1.000ha lúa bị ốc bươu vàng gây hại rất nặng và trên 200.000ha bị hại trung bình - nhẹ, nông dân phải cấy giặm lại....”.
Thực trạng quản lý đáng báo độngVề vấn đề quản lý SV-NLXH, ông Mai Hồng Quân – đại diện Cục Bảo tồn đa dạng sinh học lo lắng: “Kết quả điều tra năng lực quản lý SVNLXH đối với các bô, ngành quản lý lĩnh vực này như Bộ TNMT, Bộ NNPTNT, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Tài chính cho thấy hiểu biết về kiến thức quản lý nhà nước về SVNLXH đối với các cán bộ quản lý cấp T.Ư rất yếu kém. Họ không nắm được nội dung của các công ước quốc tế, văn bản pháp luật của Việt Nam có nội dung quy định về SVNLXH. Có khoảng 40% số cán bộ quản lý cấp T.Ư trả lời sai hoặc chưa nắm được nội dung quản lý SVNLXH theo quy định của Luật Đa dạng sinh học. Có khoảng 85-100% số cán bộ thuộc các bộ, ngành quản lý lĩnh vực này nhận định, cơ quan nơi họ đang công tác chưa đủ năng lực quản lý SVNL”.
Theo Ngân hàng Thế giới, tác động của SVNLXH đối với môi trường vào khoảng 314 tỷ USD/năm (Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ, Nam Phi và Braxin). Ảnh hưởng của SVNLXH đến tổng sản lượng nông nghiệp nội địa là Mỹ 53%, Anh 31%, Úc 48% và các nước đang phát triển như Nam Phi 96%, Ấn Độ 78%…
|
Tình trạng quản lý SV-NLXH ở các sở ban ngành ở địa phương còn tệ hại hơn rất nhiều. Kết quả điều tra năng lực quản lý SVNLXH của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học: Nhiều cán bộ quản lý cấp địa phương chưa nhận diện được các loài ngoại lai xâm hại, chưa hiểu một cách đầy đủ và toàn diện về các con đường du nhập, mục đích nhập khẩu các loài SVNLXH và những tác hại của chúng. Khoảng hơn 60% số cán bộ trả lời sai và chưa nắm được nội dung quản lý sinh vật ngoại lai theo quy định của Luật Đa dạng sinh học 2008. Có khoảng hơn 90% số cán bộ nhận định, cơ quan nơi họ đang công tác chưa đủ năng lực quản lý sinh vật ngoại lai”.