Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm một ủy ban của Quốc hội phát biểu ở hội trường rằng đã xuất hiện tình trạng lãnh đạo các địa phương “vận động” các đại biểu (ĐB) Quốc hội trước mỗi kỳ họp: Có thể chất vấn, nói về bất cứ vấn đề gì, trừ tham nhũng ra, vì nếu còn cơ chế xin cho thì mình xin ai cho, và bởi việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng...
Đại biểu Lê Như Tiến. Ảnh VGP
Thì ra, trước khi lai kinh về Hà Nội họp bàn quốc kế dân sinh, một số ĐB của dân đã được lãnh đạo địa phương dặn dò. Rất tình cảm, thân thương như nàng Kiều khôn ngoan, từng trải, dặn dò chàng Thúc Sinh nhẹ dạ trước lúc chia tay: “… non nước xa khơi/Sao cho trong ấm thì ngoài mới yên”...
Diễn dịch phát biểu của ông Tiến, chúng ta thấy đôi điều: Một là nói đến tham nhũng sẽ làm mất lòng ai đó, hậu quả là xin ngân sách, xin dự án sẽ khó khăn, thiệt thòi cho địa phương. Hai là, lưng của cánh mình đâu có sạch, xin các vị đừng vạch ra cho “người” (dân) thấy. Suy ra: Nếu những ai đó trong sáng như pha lê, quyết tâm chống tham nhũng thì họ có “đì” địa phương khi ĐB của dân phát biểu lên án tham nhũng? Khéo còn được khuyến khích nói mạnh vào! Nếu lưng của “chúng mình” như lực sĩ Phạm Văn Mách thì cởi ra cho dân xem còn được coi là thần tượng, việc gì mà phải giấu đi.
Hoan hô ĐB Lê Như Tiến! Mong mỗi ĐB Quốc hội đều cho dân biết một điều gì hay ho như ông Tiến thì dân được nhờ to!