Thưa ông, sử dụng điện vào giờ cao điểm có tốn điện hơn giờ thấp điểm?
Ông Trần Viết Nguyên: Tôi khẳng định rằng, sử dụng điện vào giờ cao điểm không tốn điện năng hơn ở những thời điểm khác trong ngày, nhưng với nhóm khách hàng sản xuất và kinh doanh sẽ tốn chi phí tiền điện hơn rất nhiều.
Một ví dụ điển hình: Với nhóm khách hàng kinh doanh sử dụng cấp điện áp dưới 6 kV, giá điện thấp điểm chỉ bằng 35% giá điện cao điểm; giá điện giờ trung bình bằng 58% giá điện cao điểm. Nếu doanh nghiệp sử dụng điện vào giờ thấp điểm sẽ tiết kiệm được khoảng 2.700 đồng/kWh (tương đương tiết kiệm 65% chi phí tiền điện) so với giá cao điểm. Đó cũng là lý do EVN vẫn thường khuyến cáo khách hàng cố gắng hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ông Trần Viết Nguyên
Ngoài việc tiết kiệm chi phí, việc hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm còn mang lại lợi ích gì, thưa ông?
Ông Trần Viết Nguyên: Vào giờ cao điểm, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng cao, đặc biệt là mùa nắng nóng, khiến ngành Điện phải huy động nhiều nhà máy điện để đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải; thậm chí có thể phải huy động nguồn điện chạy dầu với giá cao (gấp khoảng 3 lần so với nguồn điện khác) dẫn tới không hiệu quả về mặt kinh tế và vận hành hệ thống điện.
Nếu khách hàng tận dụng được giờ thấp điểm, họ vừa đảm bảo được hiệu quả sản xuất kinh doanh vừa tiết kiệm được chi phí; vừa góp phần giảm áp lực đầu tư của đất nước, hạn chế huy động nguồn điện giá cao.
Đó là chưa kể, nhu cầu sử dụng điện tăng cao nên ở một số khu vực sẽ xảy ra hiện tượng quá tải cục bộ, gây ra các sự cố nhảy aptomat, nhất là vào mùa nắng nóng. Do vậy, việc sử dụng điện vào giờ thấp điểm cũng góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo an toàn cho các thiết bị điện.
Cùng với việc tận dụng giờ thấp điểm, khách hàng cần phải làm gì để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, thưa ông?
Ông Trần Viết Nguyên: Để tiết kiệm điện hiệu quả, đặc biệt là trong mùa nắng nóng, khách hàng sử dụng điện cần vận hành hợp lý thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị làm mát.
Cụ thể, với điều hòa nhiệt độ, nên để ở nhiệt độ từ 25 - 26 độ C vào ban ngày và 27 - 29 độ C vào ban đêm; kết hợp điều hòa và quạt điện cùng lúc để giảm bớt công suất điều hòa; đóng kín cửa để nhiệt độ không thoát ra bên ngoài; lắp thêm thiết bị theo dõi và kiểm soát nhiệt độ tự động cho hệ thống điều hòa không khí… Với tủ lạnh, không nên đặt nhiệt độ quá lạnh; hạn chế số lần mở tủ lạnh; đảm bảo cửa tủ lạnh luôn kín để giữ nhiệt.
Ngoài ra, khách hàng sử dụng điện nên lựa chọn và sử dụng những thiết bị điện có dán nhãn ngôi sao năng lượng hoặc nhãn năng lượng (càng nhiều sao càng tiết kiệm điện); sử dụng đèn LED thay thế đèn huỳnh quang compact; tắt thiết bị điện khi không sử dụng; bảo dưỡng, bảo trì và vệ sinh thiết bị làm mát trước mùa nắng nóng, giúp thiết bị chạy ổn định hơn, hiệu suất cao và tiết kiệm điện hơn.
Đặc biệt, khách hàng có thể tra cứu, tham khảo trực truyến về mức độ sử dụng điện hàng tháng thông qua hệ thống chăm sóc khách hàng của ngành Điện, để có các giải pháp sử dụng điện hợp lý và tiết kiệm.
Thưa ông, vì sao vào mùa nắng nóng, các thiết bị điện như tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ thường tiêu hao điện năng nhiều hơn những mùa khác trong năm?
Ông Trần Viết Nguyên: Khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, dàn nóng của các thiết bị như điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo hiệu quả làm mát cho dàn lạnh, dẫn tới tiêu hao nhiều điện năng. Cùng với đó, vào mùa nắng nóng, khách hàng thường bật điều hòa nhiệt độ liên tục và để ở chế độ nhiệt thấp, dẫn đến tiêu hao nhiều điện năng…
Cảm ơn ông!
Giờ bình thường: Từ thứ 2 - thứ 7 gồm các khung giờ: Từ 04h00 - 9h30, 11h30 - 17h00, 20h00 - 22h00; Chủ nhật: Từ 04h00 - 22h00. Giờ cao điểm: Từ thứ 2 - thứ 7 gồm các khung giờ: Từ 09h30 - 11h30, 17h00 - 20h00; Chủ nhật: không có giờ cao điểm. Giờ thấp điểm: Tất cả các ngày trong tuần từ 22h00 - 04h00 sáng hôm sau. |
Biểu giá điện ba giá:
|