Dân Việt

Bà con Thủ Thiêm kỳ vọng gì trước cuộc gặp Bí thư Nguyễn Thiện Nhân?

Hoài Thanh 20/06/2018 11:24 GMT+7
Mong muốn Chính phủ thành lập đoàn Thanh tra để thanh tra toàn diện Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hoán đổi về một cụm ở khu 4,3 ha trên đường Trần Não là những nguyện vọng của bà con.

Chiều 20/6, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm ông Phan Nguyễn Như Khuê (Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM), bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TP.HCM) sẽ tiếp xúc cử tri quận 2, TP.HCM, tại Nhà Thiếu nhi quận. 

Theo thông tin từ Văn phòng Thành ủy TP.HCM, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng sẽ đến đối thoại với người dân Thủ Thiêm như lời hứa trước đó.

Khác với buổi đối thoại ngày 8/6 chỉ có 7 đại diện bà con được gặp, tại buổi tiếp xúc hôm nay, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ gặp gỡ tất cả cử tri quận 2, để giải đáp những thắc mắc của người dân xoay quanh nhiều vấn đề, trong đó có việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT).

img

Mong cùng chính quyền TP.HCM gỡ rối

Ông Lê Văn Lung (khu phố 1, phường Bình An) cho biết nguyện vọng của người dân Thủ Thiêm trong buổi gặp gỡ có Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ xoay quanh 2 đề xuất mà bà con đã trình bày tại buổi đối thoại với Ban tiếp công dân Trung ương.

Thứ nhất, mong muốn Chính phủ lập đoàn Thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, để giải quyết tố cáo việc tồn đọng lâu ngày của người dân theo đúng quy trình của pháp luật, nhằm truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện dự án này.

"Chỉ khi có đoàn Thanh tra mới làm rõ được cái nào dân đúng, cái nào dân sai. Những cá nhân nào sai thì chúng tôi mong muốn cần được làm rõ", ông Lung bày tỏ.

Nguyện vọng thứ hai của nhiều người dân Thủ Thiêm đó là được hoán đổi, về một cụm ở khu 4,3 ha tại đường Trần Não, khu phố 1, phường Bình An, để không làm ảnh hưởng đến mặt bằng chung của quy hoạch TP.HCM.

Bà Lê Thị The (75 tuổi) cho biết bà con Thủ Thiêm luôn sẵn sàng cùng với lãnh đạo TP.HCM tháo gỡ vấn đề. “Chúng tôi muốn cùng lãnh đạo mới của TP.HCM sửa sai. Bởi những vấn đề mà chúng tôi chỉ ra thuộc về thời kỳ trước, chứ không phải thế hệ lãnh đạo hiện tại", bà The nói.

Theo bà The, những hộ dân còn ở lại bao năm qua phải sống trong những khu nhà ổ chuột, chật chội, nóng bức, mùa mưa thì lội nước bì bõm. Vì vậy, câu chuyện ai sai, ai đúng bây giờ không còn quan trọng, mà vấn đề là cần làm rõ để giải quyết dứt điểm cho người dân.

img

Cơ sở pháp lý để thu hồi đất?

Ông Lung cho rằng căn cứ vào quy hoạch chung 1/5.000 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 367, với diện tích 930 ha (trong đó khu đô thị mới là 770 ha và 160 ha dành cho khu tái định cư), thì 31 hộ dân đang khiếu kiện không nằm trong trong ranh quy hoạch này.

Ngày 16/9/1998, Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000, với diện tích Khu đô thị mới Thủ Thiêm là 748 ha, tức là giảm so với quy hoạch 1/5.000. Ông Lung cho rằng nếu diện tích giảm thì đất của họ càng không thể nằm trong ranh quy hoạch này.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc ngày 9/5, nhiều người dân cũng đặt ra câu hỏi về việc dựa vào đâu để thu hồi đất, vì họ cho rằng đất của họ không thuộc diện tích dự án, nhưng vẫn bị thu hồi. Nhiều gia đình có nhà, đất, bị cưỡng chế mà không nhận được quyết định nào.

"Tôi chưa từng nhận được quyết định thu hồi đất, chưa từng nhận một đồng bồi thường nào. Từ một người có nhà, có đất, có công việc kinh doanh, cuối đời, tôi trắng tay, hàng ngày phải đi ăn xin, ngửa tay mong được bố thí từng đồng. Tôi đã mất tất cả", bà Nguyễn Thị Dung (phường Bình An) trình bày.

Bà Nguyễn Thị Tám (phường Bình Khánh) bức xúc: Tôi đã nhiều lần hỏi vì sao đập nhà tôi mà không có quyết định thu hồi đất?

Nhiều năm trước, có những người dân ngơ ngác khi căn nhà của mình "bỗng" nằm trong khu vực bị giải tỏa, rồi bị "bứng" đi gọn gàng.

img

Giải quyết việc đền bù

Việc giải tỏa, thu hồi đất nhưng đền bù với giá rẻ mạt khiến nhiều người dân Thủ Thiêm khiếu nại suốt 20 năm qua.

10 năm trước, bà Đoàn Ngọc Thủy (ngụ Khu phố 1, phường Bình An) được hứa hẹn bồi thường 330 triệu đồng cho mảnh đất 1.000 m2, thêm hỗ trợ tái định cư 170 triệu đồng. Tuy nhiên, 10 năm sau, gia đình bà vẫn chưa nhận được số tiền này.

"Dù số tiền vào thời điểm này đã rớt giá quá nhiều, nhưng chúng tôi cũng không yêu cầu thêm vì nghĩ quyên đất cho thành phố phát triển. Vậy, vì sao 10 năm qua vẫn chưa chuyển tiền, mà đất đã thu của chúng tôi từ lâu?", bà Thủy đặt câu hỏi.

Bà Nguyễn Ngọc Thanh (chủ căn hộ 134 Lương Định Của) cho hay gia đình gầy dựng được căn nhà có diện tích 59 m2 tốn gần 50 cây vàng, chỉ được đền bù 94 triệu đồng. Rồi bà được cho tái định cư nhưng phải đóng thêm 800 triệu mới được mua một căn chung cư tái định cư. "Thử hỏi như vậy có vô lý không?", bà Thanh nói.

Nhiều năm ôm bức xúc, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết cho biết hơn 3.000 m2 đất của gia đình chỉ được đền bù 150.000 đồng/m2, bằng tiền mua ba tô phở. Cả nhà và tài sản gắn liền trên đất cũng được đền bù rẻ mạt.

Trong lúc những cuộc họp, giải pháp tháo gỡ tiếp tục được bàn luận, những đứa trẻ ở Thủ Thiêm chỉ có một mong ước rất đơn giản. "Con mong đường đi về nhà sáng một chút", cậu bé Nguyễn Cao Trí, 6 tuổi, nhà ở khu phố 1, phường Bình An, thổ lộ. 

Chiều 15/5, tại cuộc họp với UBND TP.HCM, các Bộ, ngành liên quan để bàn về việc xử lý khiếu nại, tố cáo của người dân về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan có các sai sót dẫn đến người dân khiếu kiện bức xúc kéo dài. Trách nhiệm thuộc về các bộ, ngành liên quan, trước hết là chính quyền các cấp của thành phố.

Về quan điểm giải quyết, Thủ tướng nêu rõ phải đúng chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh phải nhìn thẳng sự thật, việc gì đúng thì tiếp tục giải thích, thuyết phục; việc gì sai thì cương quyết sửa chữa, tất cả vì mục tiêu phát triển của TP.HCM, vì cuộc sống của người dân.

Quá trình giải quyết phải kiểm tra làm rõ các tình tiết vụ việc, tổ chức đối thoại công khai, lắng nghe ý kiến của người dân, trao đổi thống nhất tạo đồng thuận về hướng giải quyết.

Trường hợp người dân khiếu nại gặp khó khăn, cần xem xét vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.