6,2 km đường đổi 68 ha đất
Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đề xuất dự án đã được UBND TP phê duyệt năm 2010. Theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng đồng bộ 5 tuyến đường (tuyến 2, 3, 4, 6, 7) với tổng chiều dài khoảng 6,2 km, mặt cắt ngang từ 17 - 40m, thuộc địa bàn các phường Văn Quán, Phúc La, Kiến Hưng, Phú Lãm, Phú Lương, Dương Nội, quận Hà Đông và 2 xã Đông La, La Phù, huyện Hoài Đức.
Mới đây, Hà Nội đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho nhiều dự án về hạ tầng giao thông theo hình thức BT “đổi đất lấy hạ tầng” để triển khai trong thời gian tới. (ảnh minh họa)
Cụ thể, tuyến số 2 có chiều dài khoảng 0,5 km, chiều rộng 18,5m. Điểm đầu tuyến tại nút giao với đường Phùng Hưng, điểm cuối tuyến đến hết phạm vi đình Văn Quán.
Tuyến số 3 có chiều dài khoảng 0,43 km, chiều rộng 23,25m. Điểm đầu tuyến tại nút giao với đường Phúc La - Văn Phú; điểm cuối tuyến tại nút giao với đường quy hoạch 18,5m.
Tuyến số 4 có chiều dài khoảng 1,78 km, chiều rộng 24m. Điểm đầu tuyến tại nút giao với Quốc lộ 21B; điểm cuối tuyến là điểm 7 xác định trên bản vẽ.
Tuyến số 6 có chiều dài khoảng 1,54 km, chiều rộng 40m. Điểm đầu tuyến tại nút giao với đường Lê Trọng Tấn; điểm cuối tuyến tại nút giao với tuyến đường liên khu vực theo quy hoạch giáp phía Đông Bắc tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển.
Tuyến số 7 có chiều dài khoảng 1,91 km, chiều rộng 17m. Điểm đầu tuyến giao với đường Lê Văn Lương kéo dài; điểm cuối tuyến là điểm 6 xác định trên bản vẽ.
Tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” diễn ra ngày 17/6 vừa qua, Hà Nội đã trao quyết định đầu tư dự án BT này cho liên danh Công ty CP đầu tư Văn Phú Invest và Công ty CP Đầu tư Hải Phát đầu tư.
Để hoàn vốn đầu tư dự án BT này, liên danh Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest và Công ty CP Đầu tư Hải Phát được nhận 6 khu đất đối ứng rộng khoảng 68 ha, gồm: Khu đô thị Bắc Lãm (41,84 ha); khu chức năng đô thị Kiến Hưng (7,568 ha); khu nhà ở Phú Lãm (12,92 ha); khu nhà ở Hà Cầu (2,3 ha); khu nhà ở Dương Nội (2,55 ha) và khu nhà ở cao tầng Kiến Hưng (0,998 ha).
Công ty liên danh làm BT ra đời
Theo tìm hiểu của PV, nhằm triển khai thực hiện dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông theo hình thức hợp đồng BT, Hải Phát và Văn Phú Invest đã thành lập ra một Công ty TNHH BT Hà Đông.
Cư dân The Pride căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư Hải Phát cố tình làm trái các cam kết.
Tháng 5.2018, Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Hải Phát quyết nghị thành lập và cử người đại diện theo ủy quyền quản lý phần góp vốn tại Công ty TNHH BT Hà Đông, trụ sở chính tại số 12 Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội.
Ngành nghề kinh doanh là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, gồm: Xây dựng kỹ thuật hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; San lấp mặt bằng hạ tầng kỹ thuật, khu đô thị, công trình công cộng, khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; Thi công các công trình điện hạ áp dưới 35KV; Thi công xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, trang trí nội, ngoại thất…
Theo nghị quyết này, vốn điều lệ của công ty này là 350 tỷ đồng, trong đó Văn Phú Invest và Hải Phát mỗi doanh nghiệp góp 175 tỷ đồng (tương đương 50%).
Thanh tra Bộ Xây dựng đã phát hiện nhiều sai phạm về công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Y tế công cộng do Văn Phú Invest làm chủ đầu tư.
Để quản lý hiệu quả vốn góp của công ty, Hải Phát cử ông Đỗ Quý Hải và Lê Việt Dũng đại diện theo ủy quyền quản lý phần vốn góp tại Công ty TNHH BT Hà Đông. Đồng thời, giao cho ông Đỗ Quý Hải giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty.
Mới đây, Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest cũng vừa công bố thông tin trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc góp vốn thành lập Công ty TNHH BT Hà Đông.
Qua kiểm tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã phát hiện nhiều sai phạm về công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Y tế công cộng do Văn Phú Invest làm chủ đầu tư. Cụ thể, một số gói thầu thực hiện chưa đúng các quy định về lập hồ sơ quản lý chất lượng thi công công trình như: Nhật ký thi công ghi chưa đầy đủ, lập biện pháp kỹ thuật và tổ chức thi công không có biện pháp đảm bảo an toàn lao động, thiếu biên bản kiểm tra máy móc thiết bị thi công của nhà thầu thi công xây dựng… Về công tác nghiệm thu thanh toán: Dự án đã để xảy ra việc sai tăng chi phí quản lý dự án, giải phóng mặt bằng, công tác thanh toán các gói thầu với tổng giá trị hơn 8,4 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty CP đầu tư Hải Phát đang vướng phải hàng loạt các vi phạm tại dự án Tân Tây Đô chưa thể khắc phục. Đặc biệt, tại chung cư The Pride, cư dân đồng loạt tố chủ đầu tư chậm chễ tổ chức Hội nghị nhà chung cư, chiếm dụng quỹ bảo trì, chất lượng dịch vụ tòa nhà kém… |