Một nhà báo thuộc tập đoàn truyền thông Australia cho biết, anh đã đến bệnh viện địa phương ở Tô Châu để trò chuyện với một nhóm phụ nữ, khi những người này đã không thể đi lại sau khi tiếp xúc với hóa chất hexane-n.
Nhiều công nhân Trung Quốc nói rằng họ đã bị nhiễm độc sau khi tiếp xúc với hóa chất hexane-n khi lắp ráp điện thoại iPhone. |
“Ngay từ đầu, các triệu chứng đã có biểu hiện khá rõ nét”, một người phụ nữ kể lại sau khi hít phải một hóa chất dùng để dán logo trên sản phẩm. “Hai bàn tay tôi đã tê liệt. Tôi khó có thể tự đi lại một mình”, chị nói thêm.
Hãng tin ABC cho biết, những phụ nữ này đã nhập viện từ hơn sáu tháng nay sau khi làm việc tại một nhà máy sản xuất máy tính xách tay chính hãng Apple và điện thoại iPhone.
Tuy nhiên, nguồn tin không nêu tên nhà máy hoặc thời điểm nạn nhân làm việc tại đó, mà chỉ nói rằng những phụ nữ đó đã giữ lại một số bộ phận trong thiết bị họ làm việc để làm bằng chứng.
Về phần mình, Apple không nhận nguồn gốc sản phẩm này từ các nhà máy ở Tô Châu và nói rằng họ đã bảo đảm nghiêm ngặt về mức độ an toàn cho tất cả các nhà cung cấp.
Năm 2009, hàng chục công nhân ở một nhà máy sản xuất ở Tô Châu do công ty Wintek của Đài Loan quản lý cũng bị nhiễm độc do tiếp xúc với hexane-n. Wintek sau đó đó phải dừng mọi hoạt động trên dây chuyền sản xuất.
Gần đây, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về điều kiện làm việc tại các nhà máy sản xuất iPhone ở Trung Quốc. Thế nhưng, nhiều lao động Trung Quốc vẫn chấp nhận làm tăng ca, lương thấp và áp lực cao cho các công ty sản xuất điện thoại thông minh.
Công ty Foxconn của Đài Loan chuyên sản xuất hàng điện tử cho Apple và một số hãng công nghệ phương Tây khác cũng chứng kiến hàng loạt vụ tự tử tại các nhà máy vào năm nay.
Tân Hoa