GS Phan Huy Lê (ảnh VNE).
Chiều 23.6, giáo sư (GS) Sử học, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê qua đời tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 85 tuổi. Nói về cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu khoa học, giảng dạy của GS Phan Huy Lê có rất nhiều câu chuyện đáng kể. Dân Việt xin giới thiệu câu chuyện vừa mới diễn ra qua lời kể của GS –TSKH Vũ Minh Giang, ông là học trò cũng là cộng sự nhiều năm của GS Phan Huy Lê.
GS Vũ Minh Giang kể: Qua làm việc với GS Phan Huy Lê, tôi thấy Thầy có suy nghĩ đau đáu một lần được đến với mảnh đất thiêng liêng Trường Sa (Khánh Hòa). Tôi thấy Thầy rất quyết tâm để đi nhưng chỉ có cách đi bằng đường biển theo một Đoàn công tác nào đó. Với tuổi cao sức yếu, việc đi như vậy không hề đảm bảo. Trước đây tôi từng làm việc trong Hội đồng lý luận Trung ương nên đã ra Trường Sa bằng máy bay cùng với Đoàn cán bộ cấp cao. Tôi nghĩ làm sao để GS Phan Huy Lê được ra Trường Sa một chuyến đi thuận lợi.
Gần đây trong một lần tôi vào làm việc với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (ông là người rất quan tâm đến lịch sử), tôi đã nói với nguyên Chủ tịch nước về nguyện vọng của GS Lê. Với tư cách là nhà Sử học lớn, ông muốn đặt chân tới mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc, nếu không thực hiện được ý nguyện này có lẽ chết không nhắm được mắt.
Nghe xong nguyên Chủ tịch nước rất ủng hộ, ông bảo sẽ nói chuyện này với các đồng chí bên Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân tạo điều kiện để GS Lê được đi cùng các cán bộ của Quân đội bằng máy bay ra thăm Trường Sa.
Với sự giúp đỡ của nguyên Chủ tich nước, bên Hội Sử học có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cá nhân tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Chính phủ và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cả hai vị lãnh đạo đều rất ủng hộ việc này. Tôi rất xúc động, bởi nguyện vọng của GS Lê được ủng hộ, đây là nguyện vọng có lợi cho dân cho nước chứ không phải chỉ là để thỏa mãn ý muốn cá nhân.
Cách đây hơn một tháng có một chuyến thủy phi cơ ra công tác tại Trường Sa và GS Phan Huy Lê đã tham gia chuyến đi này. Đây lần đầu tiên GS Lê ra Trường Sa và là chuyến khảo sát cuối cùng của Nhà khoa học kiệt suất trong lĩnh vực Sử học. Trong chuyến đi này GS Phan Huy Lê đã thu nhập được rất nhiều tư liệu, tự tay quay được những thước phim rất quý giá. Tư liệu GS ghi chép, sắp xếp rất có giá trị.
Tôi được biết, trước khi lên đường vài ngày áp huyết của GS Lê tăng cao, tuy nhiên GS kiên quyết không bỏ chuyến đi thăm Trường Sa, GS đã cố gắng uống thuốc để đi. Điều đó cho thấy ý chí và quyết tâm của GS thế nào, nhất là đã ở tuổi hơn 80.
Nói đến chuyện nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa, tôi có dịp đi với GS Phan Huy Lê từ rất sớm. Ngay sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vào năm 1975, hồi đó Bộ Tư lệnh Công an Vũ trang đã thành lập Ban nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa. Khi đó tôi đang công tác trong Công an Vũ trang nên đã tham gia vào việc nghiên cứu.
Thời gian sau đó tôi về công tác tại khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Bộ Tư lệnh Công an Vũ trang đã tạo điều kiện cho GS Phan Huy Lê và tôi đi ra đảo Cù Lao Ré, nay gọi Lý Sơn (Quảng Ngãi). Khi ra đây, GS Phan Huy Lê đã phát hiện ra tại đó có nhiều tài liệu liên quan đến chủ quyền lãnh thổ Hoàng Sa, Trường Sa. Chính GS là người đầu tiên nói phải nghiên cứu Cù Lao Ré, đó là nơi Chúa Nguyễn tuyển quân đi ra bảo vệ Hoàng Sa.
GS Phan Huy Lê đã chỉ ra chi tiết rất quan trọng, không chỉ có những điều được ghi chép trong sổ sách chính thức của Nhà nước phong kiến lúc đó mà phải ra Lý Sơn xem phong tục, tập quán, lễ khao thề thế lính, rồi sắc chỉ những người lính nhận để đi làm nhiệm vụ, nay gia đình, dòng tộc họ còn giữ lại. Đó chính là minh chứng cực kỳ quan trọng trong thực thi chủ quyền từ rất sớm đối với Hoàng Sa, Trường Sa của Nhà nước phong kiến Việt Nam.