Các bậc phụ huynh đưa con đến điểm thi từ khá sớm. Ảnh: Thu Hường
Sáng 25.6, cả nước bắt đầu kỳ thi THPT Quốc gia với môn Ngữ văn. Nhiều thí sinh đánh giá đề thi năm nay không khó nhưng vào những phần kiến thức không ngờ, tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” nằm ngoài kiến thức ôn thi của thí sinh.
Một thí sinh nam rời phòng thi sớm (xin giấu tên - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Hiền Đa) cho biết: “Đề thi năm nay không khó, kiến thức đều được giáo viên cho ôn nhưng bọn em không làm được vì học tủ. Thế nên năm nay bị "lệch tủ" ở câu nghị luận văn học".
Phụ huynh mong ngóng con dự thi. Ảnh Thu Hường
Nhiều thí sinh khác chung ý kiến bị "lệch tủ" ở câu nghị luận văn học.
Đối với câu nghị luận xã hội, do kiến thức khá rộng khiến các thí sinh đều không hoàn thành tốt bài thi của mình.
Đánh giá về bài thi của mình, một thí sinh nữ cho biết em chỉ làm được 50%.
Dù hoàn thành sớm bài thi nhưng các em học sinh vẫn chưa được ra ngoài vì chưa hết giờ. Ảnh: Thu Hường
Theo cô Đỗ Thu Hà – giáo viên dạy Văn trường THPT Công nghiệp Việt Trì, đề thi bám sát với định hướng ra đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố trước đó nên thí sinh sẽ không bị bất ngờ.
Về cơ bản, cấu trúc đề thi không có gì thay đổi so với các năm trước, tỉ lệ kiến thức cơ bản chiếm khoảng 60%, còn 40% là phần kiến thức nâng cao để phân loại thí sinh.
"Phần chương trình kiến thức lớp 11 cũng không bất ngờ bởi Bộ đã xây dựng lộ trình thi rất rõ trước đó, đã công bố đề tham khảo để các Sở, các nhà trường nắm bắt, có định hướng chỉ đạo ôn thi cho phù hợp. Nhìn chung, đề thi môn Ngữ văn vừa sức với các thí sinh, lượng kiến thức hợp lý, phù hợp với kỳ thi vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học, có sự phân hóa rõ ràng", cô Hà nói.
Nhiều bạn tỏ ra vui vẻ vì làm tốt bài thi môn đầu tiên. Ảnh: Thu Hường
Ảnh Thu Hường
Đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2018 là một đề thi hay vừa gắn với những vấn đề thiết thực nóng bỏng của cuộc sống, vừa khơi dậy suy nghĩ, ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ.
Ở phần Đọc hiểu và Nghị luận xã hội, những vấn đề về “tiềm năng tự nhiên” của đất nước, sứ mệnh “đánh thức tiềm lực của đất nước” không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, cách hỏi mở sẽ tạo cơ hội cho thí sinh trình bày những quan điểm, suy nghĩ cá nhân của mình.
Ở phần Nghị luận văn học, câu hỏi về sự đối lập giữa vẻ đẹp chiếc thuyền ngoài xa - cảnh bạo lực gia đình hàng chài và sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya – hình ảnh đoàn tàu cũng là những vấn đề rất sâu sắc, gợi trăn trở về những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hôm nay, khi cái đói, cái nghèo vẫn còn là nỗi ám ảnh của không ít người. Làm thế nào để vượt thoát ra khỏi cuộc sống ấy, làm thế nào để cuộc sống không bị cái đói cái nghèo làm cho vô nghĩa, thậm chí làm cho tàn bạo, xấu xa, là những câu hỏi nhức nhối, không dễ trả lời.
Đặt trong tương quan với cả đề, phần Đọc hiểu và Nghị luận xã hội nói về “mặt đất cứ nghèo” và sứ mệnh của cá nhân, phần Nghị luận văn học đề cập tới những số phận bi kịch, bất hạnh bởi cái đói, cái nghèo sẽ tạo được rung động, cảm hứng làm bài xuyên suốt cho thí sinh.