Dân Việt

Tránh xin - cho trong giảm nghèo

08/12/2011 09:06 GMT+7
(Dân Việt) - Tháng 12 hàng năm được chọn là tháng cao điểm Vì người nghèo. Ông Lê Quang Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường đã chia sẻ nhiều khuyến nghị để công tác giảm nghèo đi vào thực chất.

Ông Bình cho biết: Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá là một trong những nước thành công trong việc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên những năm gần đây tỷ lệ giảm nghèo bắt đầu chậm lại cho dù nguồn lực đầu tư tiếp tục tăng. Chính vì vậy chúng ta cần phải xem lại toàn diện chính sách xóa đói giảm nghèo của mình vì “bài thuốc” cũ không còn phát huy tác dụng như trước.

img
Đầu tư cho người nghèo cần gắn với phát triển (mô hình trồng rau sạch ở Mường Tè, Lai Châu).

Hiện nay, chúng ta vẫn đang áp dụng cơ chế “xin-cho” với các chương trình xóa đói giảm nghèo. Cách tiếp cận này làm cho người nghèo trở nên thụ động.

Theo ông phải chăng các chính sách từ trước tới nay còn cho không quá nhiều nên đã tạo sức ỳ đối với người nghèo?

- Việc tạo ra sự chủ động hay “ỷ lại” của người dân không đơn giản là vì cho không hay bắt người dân đóng góp. Điều quan trọng là chúng ta có cho người dân quyết định xem họ cần gì hay không, có coi người dân là chủ thể sáng tạo và dựa vào thế mạnh của họ để phát huy hay không.

Rõ ràng, bất cứ người dân nào, cộng đồng nào, khi tiếp cận những can thiệp bên ngoài dựa trên nền tảng văn hóa, tri thức hoặc nguồn lực sẵn có sẽ tự tin hơn, năng động hơn và sáng tạo vươn lên hơn. Chính vì vậy, tôi nghĩ cần phải “cho” người nghèo nhiều hơn nữa nhưng hãy để họ quyết định họ muốn được “cho” gì và “cho” như thế nào.

Thực tế chúng ta có quá nhiều chương trình an sinh xã hội hướng tới người nghèo dẫn đến chồng chéo nhau. Theo ông phải làm sao để khắc phục tình trạng này?

- Để khắc phục việc chồng chéo này, Chính phủ cần “cầm trịch” để điều phối các chương trình. Nhưng điều phối chỉ là phần ngọn, chưa giải quyết được phần gốc là tính hiệu quả của chương trình. Như tôi đã nói ở trên, quan trọng nhất vẫn là đối tượng của chính sách (người nghèo) có được quyết định sử dụng nguồn lực hỗ trợ để giảm nghèo cho chính bản thân họ hay không.

Để cân bằng giữa hiệu quả vĩ mô và vi mô, chúng ta cần phân cấp cho chính quyền địa phương. Tôi nghĩ các chương trình mang tính liên cộng đồng thì UBND cơ sở thực hiện với sự tham gia của người dân. Còn những hoạt động khác thì giao cho người dân quyết định có sự tư vấn của cơ quan chuyên môn.

Với những nghiên cứu thực tế về các chính sách giảm nghèo, theo ông khi triển khai tới địa phương cần quan tâm đến những vấn đề gì?

"Các chương trình giảm nghèo nên được tăng thêm nguồn lực và phải tính đến sự đa dạng và khác biệt của các đối tượng nghèo khác nhau. Một công thức chung giờ không còn hiệu quả nữa vì người nghèo rất đa dạng."

- Khi thực hiện chính sách giảm nghèo ở địa phương thường có 3 điều quan trọng cần lưu ý. Thứ nhất là làm sao nguồn lực được đưa đến đúng người hưởng lợi. Hiện tại, chúng ta dựa vào việc bình bầu các hộ nghèo để biết ai là đối tượng của chương trình và đã nhắm đúng khoảng 80-85% đối tượng. Vấn đề quan trọng thứ hai là làm sao đảm bảo tính công bằng.

Chúng ta biết rằng chuẩn nghèo rất vô tình, hai gia đình chỉ cần hơn kém nhau một chút sẽ gây ra thắc mắc và kiện cáo. Địa phương nếu ngại va chạm thì thay vì chỉ hỗ trợ cho người nghèo, họ đã chia đều cho cả cộng đồng dẫn đến hiệu quả kém. Điều này dẫn đến vấn đề thứ ba là tính hiệu quả và bền vững của chương trình giảm nghèo chưa cao.

Theo ông có nên tách hộ nghèo vĩnh viễn ra để có những chính sách riêng đối với từng người nghèo?

- Đây nên là một phần trong việc xây dựng chương trình bảo hiểm xã hội. Những gia đình nghèo không có khả năng tạo thu nhập như người già neo đơn, người đau ốm mất sức lao động... nên cho vào đối tượng trợ cấp xã hội. Điều này chắc rất dễ thực hiện vì cộng đồng đều ủng hộ.

Xin cảm ơn ông!