UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị đưa ra rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn mức khí thải để giảm thiểu và loại bỏ xe mô tô, xe gắn máy cũ nát tham gia giao thông, góp phần giảm ùn tắc, ô nhiễm trên địa bàn Thủ đô.
Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, xe mô tô, xe gắn máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu, hiện có trên 5,25 triệu xe máy, 10.686 xe máy điện và 4.367 xe mô tô 3, 4 bánh tự chế (không được cấp đăng ký), đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong thành phố (TP).
Theo Sở GTVT Hà Nội, xe máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn giao thông. Ảnh. T.A
Đáng nói, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số này được sản xuất, sử dụng từ những năm 90 của thế kỷ trước; thậm chí có nhiều xe tuổi thọ đã trên 30 năm vẫn đang tham gia giao thông. Đây là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội do chưa được kiểm soát khí thải.
Bên cạnh đó, xe máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật cũng là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn giao thông (TNGT). Kết quả nghiên cứu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, xe máy mới từ 1 đến 5 năm, có mức độ tai nạn ít nghiêm trọng hơn so với xe máy sử dụng trên 10 năm.
Trước đó, TP.Hà Nội từng đưa ra việc cần thải loại, thu hồi xe máy cũ nát, nhằm đảm bảo ATGT, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy vậy đến nay, xe máy cũ, nát vẫn ngày đêm tung hoành trên đường phố Thủ đô.
Nói về việc này, ông Đào Việt Long - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, tháng 7.2017, Sở GTVT Hà Nội đã trình và được HĐND TP phê duyệt “Đề án quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Trong đó có một nội dung đề xuất Chính phủ quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát chất lượng xe máy hoạt động trên địa bàn TP. Việc kiểm soát được thực hiện đối với xe mô tô, xe gắn máy theo tiêu chuẩn kỹ thuật, khí thải ở nhiều mức độ như: Thu phí môi trường thông qua dán tem các mức xanh, vàng, đỏ; Thu hồi, kiên quyết loại bỏ xe không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, hoặc mức phát thải môi trường vượt quá ngưỡng cho phép, không có các biện pháp khắc phục.
UBND TP.Hà Nội đã đề xuất cơ chế chính sách quản lý, thu hồi xe mô tô, xe gắn máy thông qua việc kiểm soát khí thải. Ảnh: T.A
Tuy nhiên, theo ông Long, lộ trình thải loại xe máy cũ nát trên địa bàn Hà Nội hiện đang gặp một số vướng mắc nhất định; chủ yếu là do hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, hoàn thiện.
Việc chưa triển khai thực hiện Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố theo đúng lộ trình của Chính phủ là một khó khăn trong việc đề xuất quy định này trong thời gian tiếp theo.
Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy vẫn chưa được xem xét, phê duyệt và ban hành. Có thể nói chúng ta vẫn chỉ đang “ngấp nghé” bên hành lang pháp lý mà thôi.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy là vấn đề xã hội lớn, nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến đa số người dân với đủ mọi đối tượng, thành phần, lứa tuổi và có nhận thức rất khác nhau. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng, tác hại của khí thải xe mô tô, xe gắn máy, việc sử dụng xe mô tô, xe gắn máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật.
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với mô tô, xe gắn máy là cần thiết và cấp bách. Trong Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 25.1.2017 của Văn phòng Chính phủ về giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, yêu cầu Hà Nội trước mắt rà soát và có cơ chế chính sách để xử lý các phương tiện xe máy quá niên hạn sử dụng để bảo đảm an toàn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.Hà Nội đã đề xuất cơ chế chính sách quản lý, thu hồi xe mô tô, xe gắn máy thông qua việc kiểm soát khí thải.
Theo dự kiến, từ năm 2017 đến ngày 30.6.2018, Hà Nội sẽ hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe mô tô, xe gắn máy. Từ ngày 1.7.2018 đến ngày 31.12.2019, kiểm tra khí thải đối với xe mô tô loại có dung tích xy lanh từ 175cm3 trở lên; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất phương án tiếp theo; thu hồi những phương tiện cũ nát.
Sau năm 2020, tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện; phát triển hệ thống, mạng lưới các cơ sở kiểm tra khí thải theo phương án đề xuất; tiếp tục thu hồi những xe không bảo đảm tiêu chuẩn.
Cục Đăng kiểm Việt Nam từng đề xuất lộ trình kiểm soát khí thải với xe máy theo 3 phương án. Theo đó, từ ngày 1.7.2018 sẽ bắt buộc kiểm soát khí thải đối với xe máy từ 175 phân khối trở lên và từ ngày 1.7.2025 trở đi áp dụng chung tất cả các loại mô tô, xe máy. Xe máy sau khi được kiểm tra đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ được cấp giấy chứng nhận lưu hành. Xe có kết quả kiểm tra không đạt phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp, thay thế phụ tùng và được kiểm tra lại. Đối với xe không thực hiện kiểm tra khí thải sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Bước đầu sẽ kiểm tra đối với các loại xe từ 15 năm tuổi trở lên, sau đó giảm dần. Thời hạn kiểm tra 2 năm một lần tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, vướng mắc lớn nhất là do các văn bản pháp quy hiện hành không quy định kiểm định khí thải với xe máy, thu hồi xe máy cũ, cũng như tính niên hạn của xe máy. Do vậy, muốn kiểm soát khí thải xe máy, trước hết phải sửa đổi luật. Từ đó mới có các văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện. |