Kết thúc môn thi Ngữ văn, nhiều người đánh giá đề thi Văn năm nay khó, vượt quá khả năng của thí sinh. Nhiều người còn ví “đề thi Văn năm 2018 ngang với luận án tiến sĩ kinh tế”.
Đáng lưu ý, trong đề thi Ngữ văn có câu hỏi về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân, đặt ra cho thí sinh về trách nhiệm của những người trẻ trách nhiệm bảo vệ đất nước, bảo vệ tiềm năng để tài nguyên không bị cạn kiệt, không bị lãng phí.
Có ý kiến cho rằng, đề Ngữ Văn có tính thời sự vừa khơi dậy ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ, của mỗi người trong việc phát triển và đánh thức tiềm lực của đất nước, về lòng yêu nước trong mỗi cá nhân trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay nhưng cũng có ý kiến không đồng tình.
Chia sẻ với PV, GS.TSKH. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam bày tỏ: “Đến tôi còn không biết sứ mệnh để đánh thức tiềm lực là gì? Đề thi quá khó, quá vượt sức đối với học sinh vừa học xong lớp 12”.
Theo GS Phạm Tất Dong, đề thi không có tính thực tiễn, đề thi là thi về trí nhớ chứ không phải thi về tư duy.
“Không phải cứ học sinh nào nói được sứ mệnh của đất nước đã là công dân tốt và ngược lại”, GS Phạm Tất Dong nói.
GS Dong phân tích, trong đề thi này dễ gây hiểu nhầm cho giáo viên và học sinh, phần này phần lớn các đoạn văn được cho đều thuộc phong cách báo chí hoặc văn bản chính luận.
GS.TSKH. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam.
Theo ông Dong, ngành giáo dục nên vận dụng công nghệ thông tin vào các kỳ thi để học sinh ngày càng chủ động, tiếp cận được với văn minh công nghệ.
Trong khi đó, PGS Bùi Hiền, tác giả đề xuất cải tiến chữ viết Tiếng Việt cho rằng, đề thi môn Văn năm nay mang tính phân loại. Tuy nhiên, phần nghị luận xã hội có mang tính vĩ mô, yêu cầu thí sinh phải khá giỏi mới có thể làm được.
Cũng theo PGS Bùi Hiền, mọi người nên xem xét toàn bộ đề thi, không phải vì một ý trong bài mà đánh giá đề thi Văn là khó hay dễ.
Kết thúc môn thi Ngữ Văn sáng 25/6, nhiều người ví “đề thi Văn năm 2018 ngang với luận án tiến sĩ”.