Các cuộc tấn công của chiến đấu cơ Nga ở phía Đông Bắc Syria sáng 24.6.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh, chiến đấu cơ của Nga đã thực hiện ít nhất 25 lần xuất kích từ thành phố Daraa phía Đông Bắc Syria sáng sớm 24.6 để không kích vào các khu vực do phe đối lập Syria kiểm soát ở Tây Nam Syria. Chiến dịch này là để yểm trợ từ trên không cho cuộc tổng tiến công đầu tiên của quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad chiếm lại một trong những thành trì cuối cùng của phe đối lập ở miền Nam Syria.
Không lực Nga cùng với bộ binh và các nhóm vũ trang của Iran đóng vai trò quan trọng trong việc “lật ngược ván cờ”, giúp quân đội Syria giành lại các vùng lãnh thổ từ tay phe đối lập.
Nhờ sự giúp đỡ đó, chính phủ Syria mới có thể sử dụng đi sử dụng lại chiến thuật dội bom, tấn công ồ ạt, sau đó đề nghị thỏa thuận hòa giải mà theo đó chính quyền của Tổng thống Assad giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ còn các lực lượng đối lập nếu không đầu đầu hàng thì cùng chạy đến vùng Idlib do các tay súng thánh chiến (jihadist) kiểm soát hoặc khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.
Đối với Nga, việc yểm trợ cho quân đội chính phủ ở Tây Nam Syria chính là cách tốt nhất để ngăn chặn Israel đe dọa các tài sản quân sự của Moscow ở khu vực này.
Cùng với đó, chính sách của Nga còn đi kèm với một chiến lược ngoại giao phức tạp mà ở đó Moscow đóng vai trò chủ chốt trong việc giảm nguy cơ leo thang căng thẳng có thể gây nguy hiểm cho đồng minh Syria hay xung đột vũ trang giữa Israel và Iran.
Nga được cho là đã “đi đêm” đàm phán ngoại giao với Israel, trong đó Moscow đảm bảo rằng Iran và các lực lượng do Iran hậu thuẫn sẽ không tham gia vào cuộc tổng tiến công của quân đội chính phủ vào Tây Nam Syria để đổi lại việc Israel bật đèn xanh cho lực lượng trung thành với Tổng thống Assad giành lại quyền kiểm soát khu vực này.
Tổng thống Syria Assad nói rằng cuộc chiến Syria đã trở thành cuộc chiến tranh quốc tế.
Trong khi đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NTV của Nga và được hãng thông tấn nhà nước Syria SANA công bố ngày 24.6, Tổng thống Syria Assad tuyên bố rằng, cuộc chiến tại Syria hiện nay không phải là nội chiến mà là một cuộc chiến tranh quốc tế.
Tổng thống al-Assad cho rằng cuộc chiến tranh quốc tế tại Syria "là cuộc chiến giữa một bên là Mỹ và các đồng minh phương Tây ủng hộ khủng bố để giành quyền bá chủ với một bên là Nga và các nước đồng minh đặt mục tiêu chống khủng bố và khôi phục luật pháp quốc tế."
Nhà lãnh đạo Syria cũng cho rằng sự hiện diện về quân sự và chính trị của Nga tại Syria đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng quốc tế.
Về tình hình trong nước, ông al-Assad nhấn mạnh rằng giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria sẽ hoàn toàn là giải pháp do Syria đề ra, và bất kỳ cải cách Hiến pháp nào tại nước này sẽ chỉ được tiến hành thông qua một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc phù hợp nguyện vọng của người dân.
Nhà lãnh đạo Syria nêu rõ việc sửa đổi Hiến pháp sẽ không có sự can thiệp của Tổng thống hoặc Chính phủ Syria, và cũng không có sự can dự của nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế.
Ngoài ra, Tổng thống al-Assad khẳng định chắc chắn rằng nước này có đủ tiềm lực để khôi phục đất nước sau chiến tranh tuy thời gian tái thiết có thể kéo dài hơn dự tính.
Cùng ngày, quân đội Syria tuyên bố đã giành lại một khu vực rộng khoảng 1.800 km2 từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền Đông nước này, gần biên giới Iraq.
Tuyên bố cho biết quân đội Syria và các lực lượng đồng minh đã tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm vào các địa điểm do IS chiếm giữ tại tỉnh Deir al-Zour, miền Đông Syria, và đã giành lại được các khu vực ở phía Tây thành phố al-Bukamal.
Trước đó, ngày 20.6, truyền thông sở tại đưa tin quân đội Syria đã kiểm soát khu vực rộng 4.500km2 sau các cuộc tấn công IS tại vùng nông thôn của tỉnh Deir al-Zour, tỉnh Homs ở miền Trung và phía Nam thủ đô Damacus. Hầu hết các khu vực được chiếm lại đều nằm trong sa mạc Syria.
Trong khi đó, các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn nắm quyền kiểm soát thành phố Raqqa, của Syria đã áp đặt lệnh giới nghiêm kéo dài 3 ngày và ban bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố này. Lý do áp đặt giới nghiêm là các phần tử khủng bố IS đã xâm nhập thành phố và âm mưu tiến hành chiến dịch đánh bom tại đây.
Theo các nhân chứng, lực lượng an ninh thuộc Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã bất ngờ áp đặt lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ rạng sáng 24 đến ngày 26.6 tại Raqqa, từng là thành trì của IS, đồng thời thiết lập các chốt kiểm soát trên khắp thành phố này.
Một thông báo của SDF cho biết lệnh giới nghiêm này ngăn chặn mọi đối tượng ra, vào thành phố Raqqa. Các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn đã giành lại thành phố này từ IS hồi tháng 10 năm ngoái, sau một trận chiến kéo dài 4 tháng khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng và phần lớn khu vực lân cận bị san phẳng bởi các cuộc không kích.
70 tên khủng bố bị tiêu diệt
Theo hãng tin Nga Sputnik 24.6, quân đội chính phủ cùng với các lực lượng thuộc "Quân đội Syria tự do" (FSA), với sự hỗ trợ của không quân Nga đã đẩy lùi cuộc tấn công của các chiến binh thuộc nhóm khủng boos “Jabhat al-Nusra" ở khu vực xuống thang phía nam.
Tin cho biết rõ thêm, quân khủng bố đã tiến hành tấn công các khu dân cư trước đó tự nguyện chuyển sang chịu quyền kiểm soát của chính phủ hợp pháp.
Cuộc đụng độ khiến cho các chiến binh bị mất ba xe bọc thép, 14 xe bán tải có trang bị súng máy hạng nặng và thiệt hại về người với con số lên tới 70. Phía quân đội của nước cộng hòa Syria không có thiệt hại, còn về phía Quân đội Syria tự do hiện chưa có thông tin về thương vong.
Hôm trước đó, khu dân cư Et Tubby thuộc tỉnh Deraa đã tự nguyện chuyển sang chịu quyền kiểm soát của quân đội chính phủ. Như vậy, tổng cộng các khu dân cư như vậy ở vùng phía Nam đã lên tới con số 12.