Theo nhiều thí sinh, đề toán năm nay khá khó. Ảnh: Thu Hường
Em Nguyễn Thu Hồng (học sinh lớp 12A2 – Trường THPT Tam Nông) chia sẻ: “Đến giờ, em vẫn cảm thấy không thoải mái với bài làm của mình. Đề sát với đề minh họa với kiến thức các thầy cô cho ôn tập".
Mặc dù là thí sinh ra đầu tiên nhưng Hồng cho biết: “Đề khó nên em chỉ làm được khoảng 50 – 60%. Nhiều câu em không làm được nên ngồi chơi khoảng 20 phút trước khi quyết định nộp bài”.
Cùng tâm trạng với em Hồng, thí sinh Nguyễn Thị Thu Thủy (học sinh lớp 12A7) nhăn mặt cho biết: “Đề khó quá, em chỉ làm được một nửa nhưng cũng không chắc được bao nhiêu phần trăm. Đề này chỉ những bạn giỏi mới làm được khoảng 70% trở lên, còn em học lực yếu hơn nên chỉ được tầm 50%”.
Đa số các em bước ra khỏi phòng thi với gương mặt buồn bã. Khi được hỏi làm được bài không, làm tốt chứ, phụ huynh đều nhận được cái lắc đầu và câu trả lời không của thí sinh.
Theo thầy giáo Hoàng Đăng Thưởng - Trường THPT Hưng Hoá (Tam Nông, Phú Thọ): “Nội dung đề thi trong phạm vi chương trình phổ thông".
Kiểm tra lại bài làm, nhiều thí sinh cho biết mình khó đạt được điểm cao. Ảnh: Thu Hường
Đề thi có tính phân hoá cao với các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao và khó hơn đề thi môn Toán năm 2017. Các phương án gây nhiễu được bố trí hợp lý đòi hỏi thí sinh phải hiểu chắc kiến thức từ cơ bản đến nâng cao mới có thể làm tốt bài thi.
Cũng theo thầy Thưởng, với đề thi môn Toán năm nay, học sinh khá mới có thể đạt đến 7,5 điểm.
Đề thi có một số câu hỏi hạn chế việc nhớ máy móc công thức hay bấm máy tính cầm tay để ra kết quả. Một số câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao khá tinh tế đòi hỏi thí sinh phải có tư duy tốt và kỹ năng tính toán tốt mới có thể làm được.
"Nhìn chung đề thi được chuẩn hoá và phù hợp với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018”, thầy Thưởng cho biết thêm.
Ở một diễn biến khác, trong khi các con đang làm bài thi, bên ngoài phòng thi là tâm trạng lo lắng thấp thỏm cùng sự tin tưởng đối với con em mình cho đến lúc thí sinh ra khỏi phòng thi của các bậc phụ huynh.
Dù cũng buồn cho kết quả của con, nhưng nhiều phụ huynh vẫn động viên con. Ảnh: Thu Hường
Chia sẻ với PV Dân Việt, một phụ huynh có con đi thi tại điểm 15 - Trường THPT Cẩm Khê (Cẩm Khê) cho biết: “Chúng nó làm bài thi nhoằng cái là thấy hết giờ. Chúng tôi ngồi ngoài này thấy lo quá, không biết có làm được bài không. Sáng nay, môn Văn đã không làm được bài rồi, nhưng con kêu làm bài không tốt cũng chỉ biết cười buồn động viên cố gắng những môn còn lại. Sáng nay, trên đường đi thi con vẫn cố gắng cầm quyển vở để ôn lại kiến thức đã học dù biết chẳng vào đầu được nữa. Cũng chỉ là tâm lý ôn cho chắc, thêm được phần nào hay phần đấy”.
Cùng tâm trạng với phụ huynh tại điểm 15, trên gương mặt các phụ huynh tại điểm thi khá đều chung một tâm trạng lo lắng, thấp thỏm chờ con kết thúc bài thi dù tốt hay không đều phải động viên con cố gắng.
Nhiều người lại tỏ ra vui vẻ vì con thông báo làm tốt bài thi. Ảnh: Thu Hường
Tại điểm thi 25 – Trường THPT Tam Nông, chị Nguyễn Thị Lại “sốt ruột, lo lắng lắm nhưng cũng chỉ biết động viên con. Môn đã thi thì cho qua, cố gắng những môn còn lại để làm bài tốt hơn”.
Tất cả các phụ huynh cho rằng, thi thì cũng thi rồi, làm được hay không cũng vậy nên chỉ biết cười buồn động viên khi con nói không làm được. Ai chẳng mong con mình làm bài tốt nhưng không vì thế mà tạo áp lực khiến con lo sợ vì kết quả không tốt. Khó thì cũng khó chung, không chỉ riêng con em mình mới khó mà hầu hết thí sinh năm nay đánh giá đề môn Văn và Toán khó hơn năm trước, thí sinh khó đạt điểm cao.