Dân Việt

Nghệ sĩ Giang Còi: Chưa hết yêu, nhưng tôi bắt đầu 'sợ' phụ nữ

Minh Anh 26/06/2018 13:07 GMT+7
Với nghệ sĩ Lê Hồng Giang (Giang Còi), tình yêu không chỉ là tình cảm trai gái mà là tình thân của những người trong gia đình, tình cảm bạn bè, đồng nghiệp, tình yêu nghề với những khát vọng sống nhân văn.

Nghệ sĩ Hồng Giang sống giản dị và hòa đồng, rời ánh đèn sân khấu, anh như được là chính mình, cười nói, hoạt động luôn chân tay mà không có chút gì của sự mệt mỏi hay tuổi tác, mặc dù công việc của anh bận đến nỗi có lúc chẳng kịp ăn, chẳng được ngủ.

img

Nghệ sĩ Lê Hồng Giang. Ảnh NVCC.

Chưa hết yêu, nhưng tôi bắt đầu sợ phụ nữ

Lên chức ông nội khi 2 cậu con trai lớn đã lập gia đình, 2 lần lên xe hoa nhưng rồi nghệ sĩ Hồng Giang vẫn gà trống nuôi con. Anh bảo: “Tôi chưa bao giờ hết yêu nhưng tôi bắt đầu sợ phụ nữ.”

Phút rảnh rỗi, hỏi chuyện anh đã “ngại yêu”, nghệ sĩ Giang còi tâm sự: “Tôi mới gần 60 tuổi, mọi thứ đều rất ổn (cười), khả năng nuôi vợ, nuôi con thoải mái tại sao tôi phải sống đơn độc một mình nên tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ “thôi yêu”.

Quả thực, cuộc sống giờ cũng lắm điều bi hài. Bạn thử nghĩ xem cùng trong một tờ giấy ghi: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do- Hạnh phúc, nhưng ngay dười những dòng chữ này lại là Đơn xin ly hôn, thì thử hỏi hạnh phúc ở đâu?

Bản thân tôi khi đọc đến đây rồi tôi cũng bật cười...Ai cũng cho mình là phải, tôi thì luôn nghĩ đã là thằng đàn ông thì cho dù có chuyện gì mình phải là người đứng mũi chịu sào. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm mà. Minh xây không tốt, mình để nóc nó dột thì chim làm sao trú ngụ nó sẽ phải bay đi...

img

Hạnh phúc bên các con trong ngày sinh nhật. Ảnh NVCC

Tuổi của tôi không còn trẻ, dù muốn dù không thì cuộc sống cũng không đơn giản, Tôi cần một người bạn tri kỷ, hiểu mình, hiểu người, hiểu công việc, cuộc sống của mỗi bên gia đình. Mặc dù tôi có tới 3 người vợ và đã ly hôn nhưng các con của tôi chúng đều rất mực thương yêu nhau, kính trọng bố. Đặc biệt, các con vẫn luôn động viên tôi mở lòng để đón nhận tình yêu mới".

Qua 2 lần đò lênh đênh, nhiều người cứ đồn đoán đàn ông “vợ bỏ đi cửa trước, rước người khác cửa sau”, nhưng với nghệ sĩ Hồng Giang thì không. Anh sống chậm, cẩn trọng trong việc chăm sóc con cái. 2 con đầu lập gia đình và có cháu nội vẫn luôn mong muốn bố đi bước nữa để có bạn tri âm tri kỷ lúc tuổi xế chiều, song anh lại chỉ muốn được an yên để ngôi nhà là chỗ để các con anh quay về. Anh bảo: “Chẳng quan trọng chuyện có người ở cạnh để chăm mình, còn nếu mục tiêu bây giờ lấy vợ chỉ là chăm sóc anh và các con thì thuê giúp việc còn hơn. Bởi vợ phải là người chia sẻ được ngọt bùi,  cay đắng, là người để mình dốc bầu tâm sự… và điều đó không dễ”.

Những câu chuyện nghề giờ mới kể

Với nghệ sĩ Giang Còi, anh khá cẩn trọng trong việc nhận vai mỗi khi có đạo diễn mời. Khi đã nhận vai, bao giờ anh cũng xin bộ phận phục trang cho mang phục trang của mình về nhà. Sau mỗi buổi diễn anh lại giặt là cẩn thận cho ngày hôm sau mặc, thậm chí đôi dép, đôi guốc cũng được anh mang về kiểm tra kỹ từng bên quai cho chắc chắn rằng, ngày mai diễn sẽ không gặp sự cố vì những điều nhỏ nhặt mà làm mất đi mạch cảm xúc.

Nghệ sĩ Hồng Giang kể: “Vai diễn nào cũng vậy, mỗi khi diễn xong, lên xe, chạy về nhà lại nghĩ về nó, có lúc tự thốt lên “Ơ sao mình ngu thế nhỉ? Sao lúc ấy mình không diễn thế này, thế kia" (cười).

img

"Suốt mấy chục năm đi diễn, duy nhất bộ phim "Cao hơn bầu trời", tôi đóng vai một anh thợ may hâm hâm ở phố Khâm Thiên. Khi đó, chiến tranh, cả thành phố đi sơ tán, nhưng tôi nhất quyết “một bước không đi, một tấc không rời”, bám trụ Hà Nội khiến tôi nhớ nhất. Lúc ấy nghe tin ký kết Hiệp định Pari, đạo diễn yêu cầu giọt nước mắt của người đàn ông chỉ được chảy ra 1 nửa. Cái cảm giác không biết đi đâu, về đâu? Rồi mãi sau mới nghĩ đến việc chạy đến chỗ sơ tán đón vợ con về, tự nhiên nghĩ đến bài hát “vui sao nước mắt lại trào”. Mặc dù đã diễn xong, đạo diễn thì bảo ok, nhưng tôi lại có cảm giác mình diễn chưa tới, nên tôi cứ đứng đần mặt ra, rôi tôi quyết định xin diễn lại cảnh đó và đó là lần đầu tiên trong suốt mấy chục năm làm nghề tôi quay lại một cảnh mà tôi nhớ nhất"- nghệ sĩ nhớ lại.

Còn vai “xương” nhất với anh là vai “Chí Phèo, được thực hiện theo hình thức sitcom và bộ phim được đặt tên là: “Chí Phèo ngoại truyện”. Mặc dù Đạo diễn Phạm Đông Hồng khẳng định vai này chỉ dành cho Hồng Giang.

Nghệ sĩ Hồng Giang bộc bạch: “Khi cầm kịch bản tôi thực sự băn khoăn vì không phải anh Chí ngày xưa mà là anh Chí của thời hiện đại, đối mặt với những vấn đề nổi cộm đang xảy ra ở thời hiện tại.

img

Giang Còi trong phim "Chí Phèo ngoại truyện"

Cầm kịch bản đọc nhiều ngày mà tôi vẫn không nghĩ ra cách thể hiện. Thế rồi một hôm trên đường đi diễn về, tôi gọi điện định trả lại vai, nhưng đạo diễn Đông Hồng quả quyết chỉ có tôi mới làm được... vừa đi vừa nghĩ, mải nghĩ, đến ngã tư đèn xanh bật lên từ lâu, tôi vẫn miên man suy nghĩ cho đến khi tiếng còi xe inh ỏi phía sau, kèm theo tiếng la ó, tôi như bừng tỉnh và cũng là lúc tôi biết mình sẽ phải thể hiện vai diễn đó như thế nào. Nghệ sĩ là vậy... và giờ tôi có thể khẳng định tôi dám thách đấu vai diễn này không ai có thể thể hiện được. Bởi, cái say của anh Chí tỉnh, cái xưa của anh Chí thời nay nó cứ hòa quyện, đan xen giữa cũ và mới. Không phải anh Chí chửi bậy ngày xưa, rạch mặt ăn vạ mà ngày nay mình chửi bậy nhưng khán giả không thấy bậy, mà cũng không cần rạch mặt, nhưng vẫn thấy được cái đáo để trong từng câu thoại, nét mặt, động tác. Nhiều khi có những vai diễn “khó nhằn”, ấy vậy mà catse lại rất mềm. Vì tình yêu nghệ thuật, vì muốn thử sức thì mình vẫn cứ lăn lộn với vai diễn ấy mà từ chối những vài diễn đơn giản, mất ít chất xám là có khi thù lao lại cao hơn. Nghề nó thế".

Già rồi, mỗi bước đi lại nắn nót hơn một chút

Được công chúng biết đến là nghệ sĩ hài, xong dường như nghệ sĩ Hồng Giang là người thể hiện đa tính cách nhân vật. Anh cẩn trọng khi nhận vai và luôn tìm cho mình một lối diễn riêng. Bên cạch việc tham gia đóng phim, các tiểu phẩm hài, anh còn đảm nhận vai trò MC của chương trình Thông điệp cuộc sống trên VTV.

Rời sân khấu trở về nhà trong không gian yên tĩnh của làng quê, ngồi nhâm nhi diếu thuốc để nghĩ về những điều còn dang dở, những được mất của cuộc đời, nghệ sĩ Hồng Giang cũng còn nhiều trăn trở. Anh sống đơn giản, không bon chen, nhưng đôi khi con người cứ khiến cho cuộc sống trở nên phức tạp. Anh tâm sự:

“Nhiều người cứ hay phân biệt vùng miền, nhưng tôi nghĩ, đã là nghệ sĩ cần ý thức rằng ngôn ngữ, lối sống mỗi vùng, miền có những điểm khác biệt cần được tôn trọng. Khi tôi vào miền Nam diễn, bản thân tôi cũng tự ý thức sẽ phải nói chậm lại để người miền Nam họ kịp tiếp thu, chứ mình nói như tốc độ người Bắc, nói nhanh quá thì họ sẽ rất khó tiếp nhận, nhất là đối với những lời thoại trên sân khấu.

img

Những chú khuyển thông minh được nghệ sĩ Hồng Giang hết mực cưng chiều

Nghệ sĩ Hồng Giang quan niệm rằng, đã là nghệ sĩ, là người của công chúng thì cần phải biết hóa giải mọi điều trong cuộc sống và nâng chúng lên tầm nghệ thuật. Và vì thế, anh cũng là người có nhiều sáng tạo trong cả ngôn ngữ hình thể lẫn khẩu ngữ trong diễn xuất để tạo được dấu ấn riêng trong lòng công chúng. Nghệ sĩ Hồng Giang cho biết: “Là nghệ sĩ phải thể hiện được ngôn ngữ của nhân dân, phải đưa được phương ngữ bản địa vào trong lời thoại để người xem cảm thấy gần gũi. Ví dụ cùng một câu nói: “mày dở à” nhưng khi diễn ở Thanh Hóa tôi sẽ nói “Quân ni dở à?"  thì người xem sẽ cảm thấy thích thú hơn chứ không phải lúc nào cũng đem giọng chuẩn Hà Nội để diễn tả. Trừ những khi mang tác phẩm nghệ thuật biểu diễn ở tầm quốc gia, quốc tế...và trong những trường hợp cụ thể thì nghệ sĩ cần tuân thủ đúng nguyên tắng làm việc, tôn trọng từng chi tiết kịch bản... nhưng thực tế kể cả mang tác phẩm ra nước ngoài biểu diễn thì bà con kiều bào ở Mỹ đa phần là người Sài Gòn, chúng ta phải hiểu họ cần cái gì.”

Là nghệ sĩ có thể diễn được nhiều vai diễn đa tính cách, nhưng ngoài đời thực, nghệ sĩ Giang Còi sống khiêm nhường, giản dị và chân thành. Đi dâu, ở đâu anh cũng được bạn bè đồng nghiệp, công chúng yêu mến.