Dân Việt

Ninh Bình: Doanh nghiệp được thuê đất giá... 53 đồng 1 mét vuông

Bách Thuận 27/06/2018 11:37 GMT+7
Liên tục nhận được nhiều ưu đãi, đặc biệt là trong việc thuê đất với giá rẻ như cho; trúng thầu nhiều dự án trong khi chây ì nộp thuế, nhiều dự án chậm triển khai... công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Bích Động (công ty Bích Động) đang trở thành một trong những doanh nghiệp gây chú ý tại tỉnh Ninh Bình.

Nộp thuế chưa đến 1 triệu/tháng

Công ty Bích Động (thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) được thành lập năm 2003, do ông Bùi Văn Hòa (SN 1955, Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình) làm giám đốc. Vào thời điểm này, doanh nghiệp có vốn điều lệ 60 tỷ đồng.

Ngay từ thời điểm thành lập, công ty Bích Động đã nhận được nhiều ưu đãi cho những dự án, những công trình xây dựng mà doanh nghiệp này trúng thầu.

Trong suốt 15 năm kể từ khi thành lập, việc đóng thuế của công ty này với nhà nước rất ít ỏi. Tính từ năm 2013 đến tháng 5.2018, công ty Bích Động mới chỉ đóng 2.397.749.080 đồng (gần 3 tỷ đồng) cho tất cả các loại thuế.

Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp là 64.226.827 đồng. Như vậy mỗi năm doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách cho nhà nước là 11.850.000đồng, chia cho mỗi tháng công ty này chỉ đóng góp được 988.000 nghìn đồng.

img

5 năm trở lại đây, công ty Bích Động đóng góp vào ngân sách cho nhà nước chỉ 988.000 nghìn đồng/tháng.

Về tiền nợ thuế, riêng chỉ tính tiền thuế đất hàng năm, tính từ 2007 đến tháng 5.2018, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Bích Động đang còn nợ tiền thuê đất là 3.818.407.408 đồng (gần 4 tỷ đồng).

Mặc dù chậm trễ nộp thuế, nợ tiền thuê đất và có dấu hiệu chây ì như vậy nhưng không hiểu sao công ty này vẫn trúng một gói thầu trị giá gần 17 tỷ đồng vào năm 2017. Cụ thể, ngày 13.9.2016, UBND tỉnh Ninh Bình đã ký Quyết định Phê duyệt Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường giao thông vào khu kinh tế mới Hang Bùi kết hợp vào điểm du lịch Thạch Bích – Thung Nắng, thôn Đam Khê Trong tại xã Nam Hải huyện Hoa Lư (giai đoạn 1) do UBND huyện Hoa Lư làm chủ đầu tư.

Sau nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, quyết định cuối cùng là hơn 19 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh chiếm 60%, huyện 20%, xã 20%.

Giữa tháng 2.2017, UBND huyện Hoa Lư đã ký quyết định Phê duyệt kết quả đấu thầu gói xây thầu xây lắp công trình: Cải tạo, nâng cấp đường giao thông vào khu kinh tế mới Hang Bùi kết hợp vào điểm du lịch Thạch Bích – Thung Nắng, thôn Đam Khê Trong tại xã Nam Hải, huyện Hoa Lư (giai đoạn 1). Giá trị gói thầu gần 17 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Bích Động.

Nhiều hợp đồng thuê đất giá rẻ... giật mình

Việc chậm trễ nộp thuế hoặc nộp quá ít ỏi vào ngân sách nhưng vẫn trúng thầu không phải là ưu ái đầu tiên mà công ty Bích Động nhận được. Để thực hiện những dự án trúng thầu, công ty này đã được cho thuê hàng trăm hecta đất với giá rẻ bèo, mà theo như chính quyền sở tại, đó là những ưu đãi để phát triển.

Năm 2003, tỉnh Ninh Bình đã chấp thuận cho công ty Bích Động đầu tư Dự án Xây dựng tuyến du lịch sinh thái Linh Cốc – Hải Nham (từ chùa Bích Động qua động Tiên đến hang Chùa – hang Ghé - hang Bụt) thuộc khu du lịch Tam Cốc – Bích Động tại xã Ninh Hải huyện Hoa Lư với diện tích 148ha.

img

Tuyến đường bộ từ đường Quốc lộ 12B đến bến thuyền nhà Lê (đi qua 3 thôn Đồng Tâm 1,2,3 của xã Sơn Hà, huyện Nho Quan), có chiều dài 2.811m (gần 3km), bề rộng mặt đường 5,5m. Tuyến đường này nhà thầu mới thi công được một nửa tuyến nhưng đến nay cũng đã bị hư hỏng.

Tuyến du lịch sinh thái này có 3 đặc trưng cơ bản là hệ sinh thái, thắng cảnh đẹp, có tới 8 hang động và 5 đền chùa từ xưa. Mặt khác, tuyến du lịch này có nhiều thuận lợi để đầu tư xây dựng thành tuyến du lịch sinh thái độc đáo, hấp dẫn du khách và góp phần xây dựng hoàn chỉnh khu du lịch Tam Cốc – Bích Động.

Dự án này có số vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 60 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 xây dựng đường bộ, đường thủy, bến xe, bến thuyền, trung tâm điều hành cạnh khu bến xe Đồng Gừng, khu động Tiên, chùa Linh Cốc từ tháng 6.2003 đến 12.2003; Giai đoạn 2 sẽ xây dựng các khu vui chơi giải trí, các ki ốt, nhà sàn, bãi cắm trại, tôn tạo một số đền chùa… từ tháng 1.2004 đến tháng 12.2005.

Với dự án này, công ty Bích Động đã được thuê đất để thực hiện với giá không thể rẻ hơn. Cụ thể, tại Hợp đồng thuê đất giữa giám đốc công ty Bích Động là ông Bùi Văn Hòa với Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình ký ngày 24.2.2004, công ty này được thuê khu đất 409.216m2 (sau này bị thu hồi 29.184m2 còn 380.032m2) tại xã Ninh Hải (Hoa Lư, Ninh Bình) để xây dựng tuyến du lịch sinh thái Linh Cốc - Hải Nham. Ngoài ra, công ty này được thuê thêm 375m2 đất để nạo vét, khai thông dòng chảy.

Những diện tích đất được thu hồi này phần nhiều là diện tích đang canh tác lúa, đất thổ cư của 34 hộ dân, đất thủy lợi, núi đá có rừng và đất thuộc xã Ninh Hải. Hàng ngàn m2 diện tích đất này được cho công ty Bích Động thuê với giá 7.700.887 đồng/năm (khoảng hơn 3.000đồng/m2), trong thời hạn 49 năm.

Đến năm 2007, UBND tỉnh Ninh Bình đã ký Hợp đồng Thuê đất với công ty Bích Động, đồng ý cho công ty này thuê khu đất rộng 352.900m2 tại xã Ninh Hải để xây dựng điểm du lịch Thăng Nắng – Hoa Lư. Thời hạn thuê trong 49 năm với đơn giá 2.625 đồng/m2.

Chưa dừng lại những ưu đãi, doanh nghiệp này còn được thuê hơn 1500 m2 đất trong thời hạn 44 năm để xây dựng tôn tạo cảnh quan hồ Mỏ Phượng, thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến du lịch sinh thái Linh Cốc – Hải Nham vào năm 2008.

Theo Quyết định về đơn giá thuê đất ký ngày 28.1.2008 của UBND tỉnh Ninh Bình cho Công ty Bích Động thuê khu đất tại xã Ninh Hải là 53 đồng/m2/năm trong thời hạn 5 năm, hết thời hạn 5 năm điều chỉnh lại cho thời hạn thuê đất tiếp theo.

img

Một bến đò được xây dựng tuy nhiên người dân phải tự sắm đò để chuyên chở khách.

Đến đây, dư luận đặt ra câu hỏi, vì đâu mà công ty Bích Động lại nhận được quá nhiều ưu ái đến vậy để thực hiện những dự án trúng thầu, trong khi cùng thời điểm đó, có nhiều doanh nghiệp khác cũng hoạt động cùng lĩnh vực nhưng lại bị “đứng ngoài cuộc”?

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Năm 2006, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định thu hồi 29.184m2 đất của công ty Bích Động cùng diện tích của một số doanh nghiệp khác trên địa bàn đề thực hiện công trình nạo vét tuyến giao thông thủy từ Bích Động đến Hang Bụt.

Lý do được nêu ra là do dự án công trình nạo vét trên có một số hạng mục công trình đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước trùng lắp với các hạng mục của dự án xây dựng tuyến du lịch Linh Cốc – Hải Nham thực hiện bằng nguồn vốn của công ty Bích Động nên UBND tỉnh Ninh Bình đồng ý cho công ty hoàn trả tiền đã đầu tư vào ngân sách Nhà nước thành các hạng mục công trình do công ty đầu tư và xây dựng.

Sự việc này đã khiến nhiều doanh nghiệp cũng nằm trong diện bị thu hồi các hạng mục nằm trên khu đất bị thu hồi trên bức xúc. Nhiều thắc mắc cho rằng, liệu Công ty Bích Động có được quản lý sử dụng những hạng mục trên đất bị thu hồi của các doanh nghiệp khác hay không? Và nếu hoàn trả phần vốn ngân sách Nhà nước đã đầu tư mà được tiếp tục khai thác sử dụng những hạng mục mình đã xây dựng thì các doanh nghiệp khác cũng muốn được như Công ty Bích Động.

Với dự án xây dựng tuyến du lịch sinh thái Linh Cốc – Hải Nham, mặc dù được tạo điều kiện xây dựng dự án ở khu vực thuận lợi, trung tâm của Quần thể danh thắng Tràng An nhưng trong suốt nhiều năm qua, tốc độ thi công dự án luôn ở trạng thái ì ạch. Công ty này đã bị nhắc nhở về tiến độ năm 2010 và UBND tỉnh Ninh Bình cũng thừa nhận tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp Bích Động là chậm.

6 lần thay đổi đăng ký doanh nghiệp và sự khó hiểu của công ty Bích Động

Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Bích Động kể từ thời điểm thành lập đế nay đã 6 lần đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp (từ năm 2003 đến năm 2007, riêng trong năm 2006 có đến 3 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp).

Công ty này do ông Bùi Văn Hòa làm giám đốc và sự thay đổi nơi cư trú liên tục của ông này tạo lên sự khó hiểu.

Cụ thể, trong lần đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty TNHH có hai thành viên trở lên lần thứ 1 (2003)  và 2 (2006), giám đốc Bùi Văn Hòa có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú là Frank Furt. Str 43; 15306 Seelow. DRB (Đức). Lúc này thông tin ghi rõ chỗ ở hiện tại của ông này là Frank Furt. Str 43; 15306 Seelow. DRB.

Cũng trong năm 2006, công ty này đăng ký thay đổi lần thứ 3 vào ngày 18.8.2006. Thời điểm này, hộ khẩu thường trú của ông đã được chuyển về thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Chỗ ở hiện tại của vị giám đốc lúc này là số 296 Chu Văn an, phường Nam Bình, thị xã Ninh Bình, Ninh Bình.

Đến 11.2006 thì ông lại chuyển hộ khẩu về địa chỉ Frank Furt. Str 43; 15306 Seelow. DRB (nước Đức - PV) mặc dù chỗ ở vẫn khai báo tại Thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Đến lần thay đổi thứ 5, hộ khẩu của ông này lại được chuyển về Frank Furt. Str 43; 15306 Seelow. DRB (Đức), lần thứ 6 thì lại về thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình.