Cổ phiếu ngành thép đang lao đao bởi nhiều thông tin về phòng vệ thương mại ở nhiều thị trường xuất khẩu lớn (Ảnh: IT)
Thống kê của Bộ Công thương đến cuối năm 2017, trong số tổng cộng 124 vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, thì có tới 30 vụ kiện liên quan thép, chủ yếu tập trung vào điều tra chống bán phá giá. Điều này khiến cổ phiếu ngành thép từ đầu năm 2018 đến nay giảm mạnh.
Thép Việt Nam đối diện nhiều vụ kiện
Mới đây, Indonesia đã chính thức công bố áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Việt Nam ở mức từ 12,01% đến 28,49% trong 5 năm. Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng nguyên nhân có thể do phía Indonesia nghi ngại sản phẩm tôn màu Việt nhập nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc để sản xuất. Thông tin này nhiều khả năng sẽ làm giảm lượng tôn màu Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này trong 2 quý còn lại của năm 2018.
Trước đó, thông tin từ Bộ Công thương cũng cho biết, ngày 12.6, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ đã nộp yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Đài Loan và Hàn Quốc và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Hàn Quốc.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến hết ngày 30.4.2018, sản lượng xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 1,91 triệu tấn, với kim ngạch đạt hơn 1,4 tỷ USD. Trong đó, ASEAN là thị trường lớn nhất với lượng xuất khẩu hơn 1 triệu tấn thép, chiếm tới 57% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Tiếp đến là thị trường Mỹ (15,2%), EU (10%), Hàn Quốc (4,1%)… |
Đây không phải là lần đầu tiên thép Việt bị nghi ngờ “đội lốt” để lẩn tránh thuế. Trước đó, vì nghi thép Trung Quốc đã được chuyển sang Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng đã khởi xướng điều tra việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội và tôn mạ và sơn phủ màu của Việt Nam xuất sang Mỹ.
Ngay sau đó, dù DOC đã cử đoàn sang điều tra tại Việt Nam nhưng đến ngày 21.5.2018, DOC vẫn chính thức ra quyết định áp thuế chống lẩn tránh thuế bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất bằng thép cuộn cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc; tương tự đối với tôn mạ và sơn phủ màu, mức đánh thuế lần lượt là 199,43% và 39,05%.
Ngoài ra, thời điểm đầu năm 2018, Cơ quan Chống Gian lận Thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) cũng vì nghi ngờ DN Trung Quốc bán thép vào Việt Nam để dùng Giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam nhằm tránh thuế chống bán phá giá nên đã cử đoàn sang làm việc với Việt Nam. Tuy nhiên, tới nay phía OLAF vẫn chưa có thông báo kết quả về cuộc điều tra này.
Ngoài các thị trường trên, con số thống kê từ VSA cho thấy, ngành thép cũng đang phải đối mặt nhiều nhất với các vụ kiện chống bán giá, chống trợ cấp từ các quốc gia khác như Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Thái Lan,…
Cổ phiếu ngành thép giảm giá “sốc”
Có thể thấy, chỉ từ đầu năm 2018 đến nay, cả 3 thị trường xuất khẩu lớn của ngành thép Việt Nam (ASEAN: 57%; Mỹ: 15,2% và EU: 10%) với tổng lượng xuất khẩu lên tới 82,2% đều đang xuất hiện những thông tin xấu cho ngành thép. Điều này khiến cho cổ phiếu một số DN thép niêm yết trên thị trường giảm mạnh.
Chẳng hạn, với cổ phiếu HPG của tỷ phú Trần Đình Long, tập đoàn Hoà Phát, từ phiên giao dịch chạm “đỉnh” 67.800 đồng/CP vào ngày 1.3 thì HPG liên tục giảm mạnh. Đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu HPG chỉ giao dịch quanh vùng giá 39.500 đồng/CP - 41.000 đồng/CP và liên tục “đỏ sàn”, bay mất khoảng 7% giá trị so với thời điểm đầu tháng 3.2018.
Một mã cổ phiếu ngành thép khác cũng giảm điểm mạnh từ đầu năm đến nay là cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim. Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, NKG giảm về mức giá 16.300 đồng/CP. So với thời điểm v năm 2018 khi NKG đạt mức giá “đỉnh” 44.300 đồng/CP, hiện cổ phiếu NKG đã “bay mất” gần 64% giá trị.
Với cổ phiếu DNY của Thép Dana - Ý, từ đầu năm 2018 đến nay mã cổ phiếu này cũng giảm điểm mạnh, từ mức giá 9.300 đồng/CP thời điểm ngay sau thời điểm tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, đến thời điểm hiện tại DNY chỉ còn 4.400 đồng/CP, mất hơn 50% giá trị.
Còn với “vua tôn” Hoa Sen Lê Phước Vũ, thời điểm đầu năm 2018, cổ phiếu HSG đạt mức giá “đỉnh” 28.650 đồng/CP thì tới thời điểm hiện tại giảm còn 12.600 đồng/CP, bay mất hơn hơn một nửa giá trị. Nguyên nhân giảm giá mạnh của HSG được một số CTCK đánh giá là không chỉ có kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, kể từ khi DOC chính thức áp thuế hồi cuối tháng 5.2018. HSG của Lê Phước Vũ đã bị ảnh hưởng mạnh bởi từ năm 2012 tới nửa đầu 2016 và là một trong hai doanh nghiệp xuất khẩu thép carbon chống ăn mòn sang Mỹ nhiều nhất (cùng với Công ty TNHH Kinh doanh Nippon Steel & Sumikin Việt Nam).
Trong khi đó, liên lạc với một số chuyên gia môi giới chứng khoán từ các công ty SSI, HSC... để hỏi về cổ phiếu ngành thép, đa số đều khuyến nghị: Thời điểm hiện tại chưa nên tham gia đầu tư cổ phiếu ngành thép. Anh Thanh Tùng, một chuyên gia môi giới đầu tư của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC), cho rằng: Ngành thép đang có thông tin xấu nên chưa nên tham gia thời điểm này...