Sáng ngày 27.6, hơn 40.000 thí sinh đã bước vào buổi thi Tổ hợp Khoa học xã hội trong kỳ thi THPT Quốc gia. Bài thi Tổ hợp gồm có 3 môn: Địa lý, lịch sử và giáo dục công dân. Theo nhận xét chung của nhiều thí sinh và giáo viên, môn địa lý và giáo dục công dân khá nhẹ nhàng và vừa sức, môn lịch sử tương đối khó và có tính phân hóa cao.
Mới đây, trao đổi với phóng viên Dân Việt, thầy giáo Nguyễn Văn Thuật, Trưởng bộ môn địa lý trường Đại học Đồng Nai cho biết đề thi địa lý THPT Quốc gia năm nay đã có điểm sai sót. Đặc biệt sai sót đề địa lý còn ở cả mặt khoa học, không đơn thuần chỉ là cách sử dụng từ ngữ.
Đề Địa lý tiếp tục xảy ra sai sót?
Cụ thể,
1. Câu 65, mã đề 302 viết: “Nhân tố nào sau đây là chủ yếu làm cho giao thông vận tải biển của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ ?
A. Nhu cầu hoạt động xuất nhập khẩu lớn
B. Nhu cầu đi nước ngoài của người dân cao.
C. Đất nước quần đảo, có hàng vạn đảo lớn nhỏ.
D. Đường bờ biển dài có nhiều vịnh biển sâu.”
"Tôi cho rằng chỉ có C mới có khả năng là đáp án đúng. Nhưng tiếc thay chỉ đúng về mặt ý nghĩa nhưng sai về mặt khoa học" - thầy Thuật nói.
Thầy Thuật phân tích: "Câu hỏi cho biết: "Nhật Bản có hàng vạn hòn đảo (một vạn bằng 10.000 nhưng thực tế Nhật Bản chỉ có 6.852 hòn đảo (hàng nghìn). Như vậy, đây là kiến thức sai. Chính vì thế, theo tôi câu 65 mã đề 302 không có đáp án đúng. Nếu sửa lại đề như sau: “Đất nước quần đảo, có hàng ngàn đảo lớn nhỏ" thì mới có đáp án đúng".
Câu hỏi 65 mã đề 302
2. Câu 57, mã đề 302 viết: “Phát biểu nào sau đây không đúng với khí hậu của phần lãnh thổ phía Nam nước ta từ (Bạch Mã trở vào)?”
Về địa lý, chính trị và hành chính, lãnh thổ là một phần đất nằm dưới sự quản lý của cơ quan chính quyền của một quốc gia. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ, Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 1997, trang 524 viết: “Lãnh thổ: Đất đai chủ quyền của một nước”. Các hợp phần của lãnh thổ Việt Nam bao gồm vùng đất, vùng biển và vùng trời.
Qua rất nhiều cuộc chống giặc ngoại xâm, ngày 25.4.1976, hai miền của Việt Nam được thống nhất thành một quốc gia có tên chính thức là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nước ta toàn vẹn một cõi, đất nước liền một dải, không còn lãnh thổ phía Bắc và lãnh thổ phía Nam.
Về mặt khí hậu, nước ta nằm trong 2 đới: Từ Bạch Mã trở ra phía Bắc thuộc Đới rừng gió mùa chí tuyến; từ Bạch Mã trở vào phía Nam thuộc Đới rừng gió mùa á xích đạo.
Do đó câu hỏi phải sửa lại như sau: "Phát biểu nào sau đây không đúng với khí hậu Đới rừng gió mùa á xích đạo (từ Bạch Mã trở vào)?”.
Về mặt ngữ nghĩa, tác giả viết: “...khí hậu của phần lãnh thổ phía Nam nước ta...”
“của” là khái niệm sở hữu, đối với các thành phần tự nhiên không thể của ai cả. Rất nhiều nước có khí hậu nhiệt đới, rất nhiều quốc gia có khí hậu ôn đới, rất nhiều quốc gia có đất feralit. Thiết nghĩ, lần sau ra đề tác giả phải thay chữ “của” bằng chữ “ở”.
Thầy giáo Nguyễn Văn Thuật - Trưởng bộ môn Địa lý Đại học Đồng Nai
3. Câu 51, mã đề 302 viết: “Căn cứ vào Atlat Địa lý Việt Nam trang 8, cho biết apatit có ở nơi nào sau đây?
A. Quỳnh Nhai
B. Sinh Quyền
C. Cam Đường
D. Văn Bàn.”
Trên thực tế, nước ta không có địa danh “Sinh Quyền” mà chỉ có địa danh “Sin Quyền”.
Như vậy, theo chia sẻ của thầy Thuật, đề địa lý còn có nhiều điểm sai về cách dùng từ chưa chính xác cũng như sai về mặt khoa học của câu hỏi. Đặt ra dấu chấm hỏi cho việc biên soạn đề của Bộ GD-ĐT với những điểm sai có khó chấp nhận như vậy. Theo thầy Thuật, những câu hỏi không có đáp án đúng, phải cho toàn bộ các thí sinh đủ điểm của riêng câu hỏi đó.
Trước đó, thầy Nguyễn Văn Thuật cũng chính là người đã chỉ ra sai sót trong đề thi văn của kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Cụ thể trong câu số 2, phần đọc hiểu, đề thi hỏi: "Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những yếu tố nào thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước?" có sự nhầm lẫn. Theo thầy Thuật, ai học địa lý cũng đều biết: đất, khí hậu, địa hình, khoáng sản, biển, sông ngòi, rừng là các thành phần tự nhiên. Trong mỗi thành phần tự nhiên lại có các yếu tố tự nhiên, ví dụ: nhiệt độ, ánh sáng, lượng mưa... là các yếu tố thành phần khí hậu. Trong khi đó, đề thi yêu cầu kể ra các yếu tố tự nhiên của đất nước trong đoạn trích nhưng đoạn trích không hề có một yếu tố tự nhiên nào ngoài từ “phù sa”. |