Ngày 28.6, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, vừa có chỉ đạo giao Sở Tài chính chủ trì, làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Thanh Hóa để làm rõ về các nguồn vốn đối với từng sự kiện, đảm bảo tiết kiệm tối đa và thiết thực, hiệu quả cho hoạt động kỷ niệm 990 năm "Danh xưng Thanh Hóa" 1029-2019.
Tổ chức kỷ niệm Lễ hội Lam Kinh - Thanh Hóa
Theo ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa, lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa (1029 - 2019) là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của tỉnh, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước và giữ nước, ghi nhận sự đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc, đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Thanh Hóa.
"Đây là lễ kỷ niệm thuộc quy mô cấp tỉnh và để chuẩn bị cho ngày lễ chính diễn ra vào ngày 8-5-2019 tại Quảng trường Lam Sơn (trung tâm TP Thanh Hóa), trong 2 năm 2018 và 2019, Thanh Hóa sẽ tổ chức nhiều hoạt động tiến tới kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với khái toán số tiền dự chi là 104 tỉ đồng, trong đó kinh phí dành cho ngày lễ kỷ niệm được dự kiến khoảng 10 tỉ đồng, chứ không phải 104 tỉ đồng dành cả cho ngày lễ"- ông Phương lý giải.
Cũng theo ông Phương, trong khái toán tổng kinh phí dự chi cho ngày lễ chính 10 tỉ đồng, còn chi cho các chuỗi sự kiện gồm: Kinh phí tổ chức lễ kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 585 ngày mất của anh dùng dân tộc Lê Lợi và Lễ hội Lam Kinh năm 2018 dự kiến chi khoảng 8 tỉ đồng; hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2019 (tháng 4-2019) dự chi 23,4 tỉ đồng; triển lãm thành tựu kinh tế xã hội tỉnh Thanh Hóa (tháng 5-2019) khoảng 9,7 tỉ đồng; Lễ hội Du lịch biển Sầm Sơn 2019, dự kiến chi khoảng 5 tỉ đồng…
"Thanh Hóa là vùng đất khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ (triều Tiền Lê, triều Hồ, triều Lê Sơ, Lê Trung Hưng và triều Nguyễn). Thanh Hóa cũng là đất của các dòng chúa Nguyễn, chúa Trịnh. Trên địa bàn Thanh Hóa từng diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, được ghi chép khá đầy đủ trong các bộ chính sử từ thời cổ, trung đại đến thời cận hiện đại. Lễ kỷ niệm là dịp để tri ân những bậc tiền nhân, đồng thời khơi dậy truyền thống yêu nước, giáo dục thế hệ con cháu mai sau. Chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động cho lễ kỷ niệm một cách thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả"- ông Phương thông tin thêm.
Trước đó, Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 12.6, Sở VH-TT-DL Thanh Hóa đã có công văn số 1625/SVHTTDL-KHTC gửi Sở Tài chính tỉnh này khái toán tổng số kinh phí tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa (1029 - 2019) với số tiền dự chi lên tới 104,722 tỉ đồng. Trong số đó, có hơn 82 tỉ đồng lấy từ ngân sách Nhà nước, còn lại là nguồn xã hội hóa.
Sau khi thông tin trên được nhiều cơ quan báo chí đăng tải, nhiều ý kiến băn khoăn việc tổ chức hoạt động kỷ niệm sự ra đời của đơn vị hành chính "Thanh Hóa" mà chi đến cả trăm tỉ đồng liệu có lãng phí, khi mà địa phương này vẫn chưa tự chủ được ngân sách, hằng năm vẫn phải xin hỗ trợ ngân sách từ Trung ương và vẫn xin gạo cứu đói cho người nghèo mùa giáp hạt.