Chiều nay, 7.11, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình đã có giải trình về
vụ án Nguyễn Thanh Chấn trước Quốc hội cũng như nêu ra những biện pháp chống án oan, lọt án. Ngay sau đó, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đã có những phát biểu hết sức mạnh mẽ.
Làm sao chống oan, chống lọt?Ngay sau giờ giải lao giữa phiên họp chiều, Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hòa Bình đã đứng lên trình bày quan điểm của Viện về vụ án đang gây rúng động dư luận – vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn.
Xử án oan khiến ông Chấn phải ngồi tù hơn 10 năm
Ông Bình khẳng định: "Tái thẩm hay giám đốc thẩm, cuối cùng những vi phạm nếu có của các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn bị xử lý. Không phải tái thẩm là anh lẫn tránh được trách nhiệm hay giám đốc thẩm thì anh mới bị xử lý.
Vì đã sai ở giai đoạn nào khi đã có kết quả cuối cùng thì việc xem xét trách nhiệm những tập thể và cá nhân tham gia quá trình tố tụng đều được đặt ra và xử lý nghiêm. Các kết luận của tái thẩm, giám đốc thẩm đều giống nhau, không phải tái thẩm thì có kết luận khác và giám đốc thẩm thì lại có kết luận khác, điều này đã được pháp luật quy định".
Về các giải pháp nâng cao hoạt động công tố để chống oan, chống lọt, Viện trưởng Bình cho rằng: Cả hai yêu cầu này đều được đặt ra ngang nhau trong thực thi pháp luật.
Theo ông, giải pháp cụ thể là Viện đã tham mưu cho các cấp ủy đảng và HĐND cấp tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị về tăng cường kháng nghị phúc thẩm đối với Tòa án, đồng thời phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để giải quyết tin báo tội phạm nhằm chống lọt tội phạm, tăng cường kỷ cương kỷ luật quản lý cán bộ, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, yêu cầu mỗi kiểm soát viên phải nâng cao trách nhiệm trong quá trình làm nhiệm vụ.
Còn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình góp ý 3 giải pháp làm giảm tỷ lệ án bị hủy sửa, án oan như nhiều ĐBQH kiến nghị. Thứ nhất, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa. Thứ hai là nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, thẩm phán, công chức ngành tòa án, kể cả kiểm soát viên và cán bộ điều tra, chủ yếu là thẩm phán.
Thứ ba, phải đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất, trong đó có biện pháp giảm tồn đọng đơn giám đốc thẩm, tái thẩm. Theo Chánh án, ngành tòa án năm qua đã giải quyết được hơn 7.000 đơn, còn lại hơn 4.000 đơn (đạt 63,3%). Có 3 nguyên nhân làm cho đơn tồn đọng nhiều. Thứ nhất là do chất lượng xét xử ở cấp phúc thẩm, sơ thẩm chưa đạt yêu cầu nên lượng đơn mới nhiều. Nhiều đơn không nêu được căn cứ. Nhiều đơn mới xét xử xong là gửi ngay.
Nước mắt cho vụ án oan 10 năm
Ngay sau phần giải trình của Viện trưởng Viện KSNDTC, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Ủy viên thường trực UB Tư pháp đã có bài phát biểu hết sức ấn tượng khi đề cập về tình trạng án oan sai nói chung và vụ Nguyễn Thanh Chấn nói riêng.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình). Ảnh: Hoàng Long
Tiếp đó, ĐB đề nghị khối cơ quan tư pháp phải xem xét lại hoạt động tư pháp, rút ra bài học kinh nghiệm cũng như xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân để xảy ra oan sai. “Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ trách nhiệm của cơ quan điều tra, làm rõ cả những chứng cứ xác định vô tội nhưng chỉ quan tâm tới chứng cứ buộc tội chứ phương án vô tội không được quan tâm. Hiến pháp cũng cần quán triệt để oan sai không xảy ra...”, ĐB Cường nhấn mạnh.
Đặc biệt, ĐB Cường cũng đề cập yếu tố
ép cung là vấn đề cần làm rõ, có phải cá biệt hay không? "Trách nhiệm của VKSND đã đề ra yêu cầu điều tra, kiểm soát kỹ chưa? Nếu làm hết trách nhiệm thì không thể diễn ra việc ép cung lớn như vậy", ông Cường đặt vấn đề.
Về các giải pháp tránh án oan sai, ĐB Cường đề nghị luật sư phải tham gia từ đầu giai đoạn điều tra, ngay khi cơ quan điều tra tạm giữ, khởi tố bị can nhưng việc tạo điều kiện cho luật sư tham gia từ khi bắt đâu tố tụng là chưa được.
Ông Cường cho rằng: "Vai trò bình đẳng, tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của luật sư có được đại diện VKS chú ý không, nếu làm tốt thì sẽ hạn chế được tối đa án oan sai".