NHNN có đủ lực để điều hành tỷ giá giảm trong mức dự kiến? (Ảnh: IT)
Tính từ đầu năm tới nay, tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 0,92% trong khi giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 0,73%. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu lo ngại: Đà tăng của đồng USD có còn tiếp diễn? Liệu NHNN có đủ nguồn lực để kiểm soát tỷ giá USD/VND tăng trong mức mục tiêu trong năm nay?
Liên tục tăng “nóng”
Tại NHNN, tỷ giá USD trung tâm của VND/USD, áp dụng cho ngày 28.6 là 22.655 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá được áp dụng tại Sở Giao dịch NHNN ở mức 22.700 đồng/USD chiều mua vào và 23.315 đồng/USD chiều bán ra. Trong khi đó, tại một số ngân hàng lớn, tỷ giá USD cũng đang được điều chỉnh tăng sát tới “ngưỡng” 23.000 đồng/USD.
Chẳng hạn, tại Vietcombank, tỷ giá USD tính đến 4h chiều 28.6 được mua vào ở mức giá 22.905 đồng/USD và bán ra ở mức giá 22.975 đồng/USD, chuyển khoản mức 22.905 đồng/USD.
Trong khi đó, tại Vietinbank, tỷ giá USD ngày 28.6 được mua vào ở mức giá 22.897 đồng/USD và bán ra ở mức giá 22.977 đồng/USD, chuyển khoản mức 22.907 đồng/USD.
Trước diễn biến tăng khá mạnh của đồng USD, nhiều người lo ngại có thể ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Cụ thể, USD tăng mạnh sẽ gây áp lực cho VND, như vậy tỷ giá USD/VND sẽ có sự chênh lệch giá lớn, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhập khẩu. Chưa kể, giá hàng hóa trong nước sẽ bị tác động mạnh, có thể tăng giá bất thường trước diễn biến này.
Ông Nguyễn Thái Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH XNK Kim Anh (Q.Tân Bình), lo ngại, khi tỷ giá tăng, các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu trong nước cũng dựa vào đó để... "té nước theo mưa" và lấy đó làm cớ để tăng giá nguyên liệu cao hơn.
"Mấy bữa nay, một đối tác cung cấp nguyên liệu cho công ty tôi đã đặt vấn đề tăng giá thêm 3% -5% vì cũng bị ảnh hưởng bởi tỷ giá. Điều này khiến chúng tôi lo lắng chi phí đầu vào của sản phẩm tăng cao, làm mất tính cạnh tranh của hàng hóa khi xuất khẩu”, ông Hoàng Anh nói.
Trong khi đó, Phó Giám đốc một Công ty sản xuất đồ nhựa tại Khu Công nghiệp Tân Bình thì tính toán, công ty ông có thể bị thiệt khoảng 200 triệu đồng (tiền chênh lệch do tỷ giá tăng) cho một đơn hàng nhập về hồi cuối tháng 5 vừa qua. "Đà tăng của tỷ giá hiện nay chắc chắn sẽ tác động vào giá thành, nếu chúng tôi không tăng giá thì công ty sẽ chịu lỗ. Còn nếu chấp nhận tăng giá thì chắc chắn sức tiêu thụ hàng sẽ chậm hơn trong 2 quý cuối năm nay”, vị này nói.
Tỷ giá không tác động mạnh đến doanh nghiệp?
Liên quan đến đà tăng nóng của tỷ giá USD mấy ngày gần đây, chuyên gia kinh tế TS.LS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight, về lý thuyết, khi tỷ giá gia tăng, các doanh nghiệp có nguồn thu USD lớn sẽ thu được nhiều lợi ích như doanh thu tăng khi chuyển đổi từ USD sang VND, tăng lợi thế cạnh tranh về giá khi xuất khẩu. Ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu chịu ảnh hưởng bất lợi khi cần nhiều tiền hơn để đổi lấy một lượng hàng hóa tương đương từ nước ngoài và sẽ phải tăng giá bán, qua đó có lợi cho sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, theo ông Tín: “Việc tăng giá USD sẽ không tác động mạnh đến các doanh nghiệp trong nước bởi thanh khoản USD trong nước đang dồi dào, dự trữ ngoại hối đã lên tới hơn 63 tỷ USD. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam cũng còn nhiều chính sách hỗ trợ để VND chỉ mất từ 1,5%-2% trong năm nay, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lãi suất, lạm phát đạt được mục tiêu đề ra là 4%. Nói chung, NHNN có đủ lực để điều hành tỷ giá giảm trong mức dự kiến”.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển thì cho biết, tất nhiên khi tỷ giá tăng thì dẫn đến một số lo ngại. Thứ nhất, tâm lý chung là lo ngại đồng tiền mất giá dẫn đến lạm phát và đây là vấn đề lo lắng chung vì Việt Nam những năm trước cũng đã xảy ra lạm phát. Thứ 2 là giá USD tăng thì các DN nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Do đó chúng ta cũng đang theo dõi sát.
“Tuy nhiên, nếu chúng ta xét cơ cấu quan hệ tỷ giá 3 năm nay thì có thể thấy tiền đồng Việt Nam có mối quan hệ tỷ giá bị nén rất nhiều. Tức là nếu xét mối liên quan giữa lạm phát, lãi suất Việt Nam đồng và tỷ giá thì nhiều năm nay đồng USD có vẻ bị nén rất nhiều. Do đó, việc tăng của đồng USD hiện nay theo tôi vẫn là mức hợp lý. Đặc biệt việc tăng này cũng gắn liền với việc đồng USD đang tăng mạnh trên thị trường tiền tệ thế giới nên chuyện lo ngại này cũng được giảm nhẹ. Tôi ví dụ, đồng USD trên thị trường tiền tệ thế giới giảm giá mà mình lại tăng thì mới lo, đằng này thì đồng USD đang tăng so với các đồng tiền khác nên chúng ta cũng cần quan sát thêm”, ông Hiển nói.
“Ở các năm trước, mỗi khi đồng USD mạnh lên thì đồng tiền các nước biến động rất mạnh, có đồng mất 3%, 4%, thậm chí có năm biến động tới hai mươi mấy %. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc ổn định tiền đồng, đó là một sự thành công của NHNN”, TS.LS Bùi Quang Tín. |