Thời chiến tranh lạnh, quân đội Mỹ đã triển khai hai vụ thử hạt nhân quy mô lớn trên hòn đảo san hô Bikini, một mang tên "Castle Bravo" và vụ kia là "Crossroads", khiến dân trên đảo buộc phải rời đi và môi trường trong vùng bị ô nhiễm nặng nề trong một thời gian rất dài về sau.
Bikini là một đảo san hô vòng thuộc quần đảo Marshall, nhưng nằm biệt lập trong Thái Bình Dương và cách quốc gia Papua New Guinea hơn 2.000km về phía đông. Cư dân trên đảo trước đó sống yên bình, đến khi quân đội Nhật đến và biến hòn đảo này thành một tiền đồn quân sự của họ trong Chiến tranh thế giới 2 thì mọi chuyện xáo trộn.
Cộng đồng dân cư trên đảo san hô Bikini khăn gói rời đảo theo lệnh của quân đội Mỹ - Ảnh: AFP
Kết thúc Chiến tranh thế giới 2, Washington nhận ra rằng địa thế và vị trí chơi vơi của đảo giữa đại dương sẽ là địa điểm lý tưởng để thử hạt nhân.
Thế là vào một ngày chủ nhật tháng 2.1946, quân đội Mỹ yêu cầu cư dân chuẩn bị mọi thứ để rời đảo tạm thời "vì lợi ích của nhân loại để kết thúc tất cả các cuộc chiến tranh trên thế giới".
Những tưởng rằng mình sẽ có thể quay về nơi chôn nhau cắt rốn chỉ sau đó một thời gian ngắn sau khi các vụ thử hạt nhân kết thúc nên cư dân đảo không mảy may lo lắng, họ thanh thản khăn gói ra đi.
Nhưng họ không ngờ rằng những tác hại phóng xạ từ những vụ thử này đã khiến Bikini đã trở thành hòn đảo chết suốt hơn 70 năm sau đó, quãng thời gian dài của cả một đời người.
Cộng đồng dân cư trên đảo san hô Bikini khăn gói rời đảo theo lệnh của quân đội Mỹ - Ảnh: AFP
Cùng năm đó, đợt thử đầu tiên mang tên Crossroads được bắt đầu, nhưng đã bị dừng lại vì các lý do an toàn sau khi một vụ nổ trong chuỗi thử nghiệm đã tạo ra những đợt sóng thần khủng khiếp vào ngày 25.7.1946.
Vụ nổ dưới đáy biển mang tên Baker đã đẩy tung lên không trung hơn 1 triệu mét khối nước biển bị nhiễm phóng xạ nặng và tạo những đợt sóng thần cao hơn 30m nhấn chìm nhiều đoàn tàu chiến của khối trục bị bắt giữ vào neo đậu gần đó.
Thế cho nên người Mỹ phải đợi đến 8 năm sau, vào năm 1954 họ mới tiếp tục những thử nghiệm hạt nhân trên đảo và lần này những hậu quả vô cùng tai hại một lần nữa tàn phá đảo Bikini và nhiều đảo lân cận.
Vụ nổ ngày 1.3.1954 trong vụ thử Castle là để thử nghiệm hiệu quả của một loại bom khinh khí thế hệ mới có kích thước nhỏ hơn, có thể được vận chuyển bằng máy bay nhưng sức công phá vẫn có thể san bằng được nguyên cả một thành phố.
Quả bom này có sức mạnh 1.000 lần hơn so với quả bom thả xuống Hiroshima và hiện nay đây vẫn là quả bom có sức công phá lớn nhất của quân đội Mỹ.
Và có hai hệ lụy kinh khủng từ vụ thử Castle Bravo, đó là: các nhà khoa học Mỹ đã đánh giá thấp sức công phá của quả bom (trên thực tế mạnh hơn gấp đôi so với tính toán ban đầu trên lý thuyết) và kế đến là những cơn gió mạnh trên biển đã thổi tung bụi phóng xạ lan qua các hòn đảo có người ở trong khu vực quá nhanh khiến cư dân không kịp trở tay.
Thêm vào đó, trên những hòn đảo lân cận, trẻ con nhầm tưởng những đám bụi mờ từ trên trời rơi xuống là tuyết nên chúng bốc ăn. Và phải hai ngày sau đó, người dân trên các đảo chung quanh mới được quân đội Mỹ đến đưa ra khỏi vùng nguy hiểm.
Hình ảnh vụ nổ hạt nhân thử nghiệm mang tên Castle Bravo vào ngày 1.3.1954 trong khu vực đảo Bikini - Ảnh: US NAVY
Một tàu cá của Nhật đang đánh bắt cách đó khoảng 100km cũng bị nhiễm bụi phóng xạ và những luồng gió mạnh từ đại dương thậm chí đã thổi đám mây bụi phóng xạ sang tận châu Âu.
Mặc dù những vụ thử hạt nhân trên đảo Bikini chính thức được chấm dứt vào năm 1958, nhưng do môi trường bị nhiễm phóng xạ nặng nên người dân không thể quay lại đảo được. Tổng thống Lyndon Johnson hứa rằng Mỹ sẽ làm tất cả những gì cần thiết và thông báo triển khai một kế hoạch dọn sạch đảo Bikini trong vòng 8 năm.
Năm 1976, tức 30 năm sau vụ thử hạt nhân đầu tiên trên đảo, đa số cư dân cũ đã được phép quay lại đảo, nhưng thật buồn là trong một đợt khảo sát môi trường vào hai năm sau đó, năm 1978, nước Mỹ lại công bố rằng cư dân trên đảo vẫn bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức cao nguy hiểm.
Thế là cư dân đảo một lần nữa phải rời đảo và đa số họ do tuổi đã cao nên vĩnh viễn không còn cơ hội quay về cố hương Bikini được nữa, qua đời trên đất khách. Hiện nay, mặc dù chúng ta có thể an toàn dạo chơi trên đảo Bikini, nhưng nguồn thức ăn và nước uống trên đảo vẫn còn bị nhiễm xạ cao.
Một thỏa ước ký kết giữa Mỹ và đảo quốc Marshall vào năm 1986 đã tháo khoán khoản ngân quỹ 150 triệu USD nhằm vào mục đích tăng cường theo dõi sức khỏe cho cư dân trên đảo và dùng để đền bù thiệt hại cho người dân. Song động thái này dường như vẫn chưa đủ, không thể bù đắp được toàn bộ những thiệt hại mà dân đảo Bikini phải gánh chịu từ nhiều chục năm nay trong quá khứ.
Hình ảnh vụ nổ hạt nhân thử nghiệm mang tên Crossroads vào năm 1946 trong khu vực đảo Bikini - Ảnh: US NAVY